Coi chừng nghe lầm

Con gái lớn của tôi năm nay hai mươi lăm tuổi. Cái tuổi có nhiều thay đổi, thậm chí đổ vỡ, về tình yêu và nghề nghiệp. Cô đang ở giai đoạn khó khăn trong cuộc đời. Còn tôi đang ở giai đoạn về chiều, mọi cơ quan đều bắt đầu thoái hóa. Cái mũi thì vẫn còn dùng được, thỉnh thoảng bị dị ứng bụi, mốc, phấn hoa thì sổ mũi, nhưng mấy hôm nay thì rất khỏe (cái lỗ mũi thôi chứ toàn thân thì cũng có cái dở dở ương ương). Cái lỗ tai thì nghễnh ngãng (từ lâu) rồi. Ai nói nhỏ không nghe. Tivi bật nhỏ chỉ nghe tiếng thầm thì rì rào mà không biết họ nói gì. Bây giờ thì nhớ lại mình hay cằn nhằn với đấng phu quân của mình là cặp hàng xóm, nhất là ông chồng sao nói chuyện to tiếng quá, cứ như cãi nhau. Chắc là họ cũng bị lãng tai.

Nói vậy, nhưng có nhiều khi ngồi gần, nói lớn, mà vẫn nghe sai; bởi vì mình không nghe tiếng của người ta nói mà nghe chính tiếng nói trong tư tưởng của mình. Tôi bắt gặp tôi một vài lần như vậy.

Mới tuần rồi, ngày Chủ Nhật tôi đón cô lớn về nhà chơi. Chúng tôi nói chuyện bâng quơ rồi bỗng dưng cô hỏi.

– Mẹ có muốn con đặt bẫy bắt một anh bồ rồi mang anh ta… (cô nói một tràng liến thoắng nhưng tôi chưa nghe hết đã kêu lên.)

– Không, không, không (lưỡi tôi líu lại, ngồi trong xe mà tôi la lớn át cả tiếng của cô). Đừng làm như vậy con. Mẹ không muốn con phải làm như vậy. Đâu có đáng gì. (Tôi nói thêm một tràng nữa mà không biết là mình nói gì).

Cô nhìn tôi vẻ ngạc nhiên. Tôi trở lại công việc lái xe. Tôi ít khi lái xe đi xa, chỉ quanh quẩn từ nhà đến nhà ga xe lửa, đi chợ rồi về. Tốc độ trong thành phố nhỏ từ 25 dặm một giờ trong đường nhỏ cho đến 50 dặm một giờ trên đường lớn. Garden Parkway và đường cao tốc 78 người ta chạy 70 dặm một giờ là thường. Đa số là chạy 80 dặm một giờ làm tôi phát khiếp. Tôi chỉ chạy có 60 dặm nên thường chọn làn bên trong để người ta dễ qua mặt. Vả lại tôi thường sợ bị phạt, tốn tiền. Có lần bị phạt tốn cả bốn trăm Mỹ kim đau quá xá, người ta nói đồng tiền nối liền khúc ruột mà. Tôi chăm chỉ, cẩn thận lái xe. Cô nói tiếp.

– Ý con muốn nói là con sẽ mang một cái bẫy, bắt anh bồ, sau đó mình đem anh bồ đi thiến. Con đã nói chuyện với mẹ của Pat…

Tôi muốn nói với con tôi, chuyện kết hôn với một người đàn ông không có ý nghĩa gì nếu mình phải mưu mẹo đánh bẫy. Vợ chồng lấy nhau cả đời nhiều khi có những lúc không thấy vui lòng, mà bổn phận làm vợ làm mẹ cứ đè nặng lên vai mình. Thật tình, tôi không muốn con tôi phải trải qua cảnh mang nặng đẻ đau, hay đến lúc vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt, bỏ nhau. Tôi có phần nào ích kỷ sợ con mình dẫn con của nó về mình lại phải nuôi con nuôi cháu.

Pat là bạn học với con tôi từ hồi tiểu học. Chung con đường, nhưng nhà của Pat ở bên kia con đường lớn cắt ngang con đường chung dẫn vào nhà tôi. Pat chính chắn, lại rất đẹp trai. Hai đứa chơi thân với nhau, nhiều khi tôi ước hai đứa thành đôi với nhau, nhưng cả hai đều có người yêu.

– Mình để thức ăn vào cái bẫy bắt anh bồ rồi đưa đi bác sĩ thú y.

Tôi chợt vỡ lẽ. Mẹ của Pat có thể được gọi là cat lady. Ở VN mình không có mẫu người này, một người đàn bà nuôi rất nhiều mèo. Bà ấy, tên là Mary, chuyên cứu trợ những con mèo hoang, gọi là feral cat. Để chận đứng mức độ phát triển của mèo hoang người ta đem giải phẫu (có thuốc tê). Mary có dụng cụ để bẫy mèo. Con tôi đang nói đến con mèo hoang mà cả nhà đồng ý gọi là Boyfriend. Cô nói bằng tiếng Anh, mà tôi nghe chớp nhoáng, bằng cái lỗ tai nghễn ngãng nên không biết là “a boyfriend” hay là “the Boyfriend.” Thầm nghĩ con mình còn trẻ đâu có gì mà đến nỗi “desperate” phải chộp cổ anh bồ như thế. Trong thời gian chở con đi, nghĩ đến những nỗi niềm của con mình, tôi không nhớ đến con mèo hoang, nên con nói tên con mèo, mà tôi cứ nghĩ đến một anh bồ nào đó. Con muốn đặt bẫy bắt mèo đem đi bác sĩ, nhưng tôi lại nghĩ bắt một anh đàn ông con trai bắt làm chồng.

Nghe lầm, không phải vì lỗ tai già không nghe rõ, mà mình nghe bằng định kiến đã xây dựng sẵn trong lòng.

32 thoughts on “Coi chừng nghe lầm”

  1. Hihi, nghe/nhìn bằng cả trái tim là đây. The brain sees what the heart wants it to feel.
    Ở VN cũng hay nói: thôi lừa đại, lừa tạm anh nào đi. Nghe mất hết cảm tình.

    1. Người Tây phương ít có dám nói này kia về cuộc sống riêng tư và chọn lựa của con cái. Không phải như người VN, dù chỉ là họ hàng thôi cũng dám hỏi người ta sao chẳng lấy chồng đi.

  2. Bài này nghe đầy tâm trạng và lòng thương con gái.

    Ngày xưa mẹ em cũng không muốn sinh con gái vì mẹ và mấy dì lớn lên trong thời khó khăn mà xã hội ngày đó cũng có nhiều điều thiên vị không dành cho phụ nữ. Mẹ cũng nói mẹ khổ quá nên không muốn con gái mình phải chịu canh sống khắc khổ của xã hội. Chắc mẹ nguyện thầm hoài bên trong loạt 6 đứa con có mình em con gái chui ra.

    1. Có con gái mình hiểu thái độ, sự quyết định, và những ưu tư của mẹ mình hơn. Mối lo nghĩ về con trai khác hơn về con gái. Có lẽ có con trai thì hiểu mẹ chồng hơn.

      1. nhiều lúc em cũng tự hỏi là tại sao em không có chị gái, và nếu có thì tánh tình của em nó sẽ thay đổi như thế nào khi có chị/em gái để tâm sự. Mấy ông con trai nhà em ông nào cũng khô khan lắm, nhưng tụi em cũng thân nhau chứ không xa cách.

  3. Chuyện nghe lầm, làm Nmk cũng nhớ hồi đó trong gia dình xém chút nữa có người bị ăn đòn oan mạng.
    Bà mẹ mói từ ngoài cửa bước vô, nghe chị giúp việc nhà nói với ba tôi:: ” Con qua ở bển hai ngày liền với thằng quỷ đó, về mệt đừ không làm gì được cú nằm dài hết cả buổi..”.
    Bà già nghe vậy đùng đùng hỏi: “Con qua đâu rồi, kêu xuống đây tao quánh bờm đầu..”
    Vốn ở nhà có người tên Hoa, mà theo âm miền nam nên cứ “Qua”, hú hồn ông già bữa đó nẹt bà già một tràn “Bà sao hồ đồ quá.” chuyện như vậy đó đôi khi nghe lầm cũng hại ác liệt.

  4. Chuyện của Tám với cô gái lớn mà khi đọc những gì nhân vật ở ngôi thứ nhất kể HN cứ thấy như chuyện hai vợ chồng mình vài năm trở lại đây nhất là cái lổ tai ngễnh ngãng và cái này nữa nè “nhưng có nhiều khi ngồi gần, nói lớn, mà vẫn nghe sai; bởi vì mình không nghe tiếng của người ta nói mà nghe chính tiếng nói trong tư tưởng của mình. Tôi bắt gặp tôi một vài lần như vậy”.. Ôi, thời gian mà, biết thế nào được phải không Tám? Bài viết không có tình tiết gì “éo le” nhưng đọc thiệt thích.

  5. Vậy con lớn hơn con gái cô Tám vài tuổi. Từ ngày ra trường con đã quen với những câu hỏi yêu thích của họ hàng kiểu như: Có người yêu chưa? Khi nào cưới? Làm công ty nào? Lương bao nhiêu?
    Ba mẹ con chẳng bao giờ hạch hỏi hay hối thúc con chuyện đó, chỉ toàn họ hàng thôi.

    1. Cô cũng thấy có những ông chú bà cô ở bên Mỹ này rất mực thương yêu con cháu và vì thương yêu nên tự cho phép mình xen vào cuộc đời của con cháu rất tự nhiên. Tự nhiên bình phẩm, tự nhiên thắc mắc về việc chọn tôn giáo, chọn người yêu, chọn nghề…

  6. Em thì hay bị đọc nhầm, tức là đọc trước khi con mắt kịp thấy chữ và cái não kịp định nghĩa chữ mình đọc là gì. Nhiều khi “đọc” cả lúc mà vẫn ngẩn ngơ không hiểu gì hoặc hiểu sai rất oái oăm chị à. Chị nói thiệt đúng, rõ ràng mình nhìn chữ, mình nghe tiếng mà mình vẫn cứ tự mặc định để hiểu bằng tiếng nói trong lòng mình nên mới vậy…

    1. Chị thì như vậy là thường. Đó là cái người ta gọi là monkey mind. Mình thiếu tập trung, có thể nguyên do là mệt mỏi quá, cả thể chất lẫn tinh thần.

  7. Đọc bài này vui quá. Khuya hôm trước tôi đọc chớp nhoáng nên mới gửi lời thăm Boyfriend. 🙂
    Nhà tôi cũng có một câu chuyện về chú mèo Misty phải để cho người khác nuôi, lâu lâu ghé thăm, nhưng lại day dứt mãi khôn nguôi bạn ạ.

Leave a reply to Bà Tám Cancel reply