Ba mươi phút entry

Tôi chỉ có chưa đầy ba mươi phút để viết một entry, thật ra chỉ có 15 phút thôi, vì tôi phải đi làm. Nhưng hôm nay thứ Sáu, tôi tự cho phép mình đi trễ mười phút.

Bắt đầu là từ cuốn phim Người Đàn Bà Trong Cồn Cát, tôi xàng xê qua cuốn phim The Face of Another (Khuôn Mặt của Kẻ Khác), rồi tôi qua Pitfall, qua Invisible Man, Eyes Without Face, đến Kitchen (Banana Yoshimoto), qua nhiều tác giả nữa, rồi không hiểu làm sao tôi lại đang đọc The Lady and The Monk của Pico Iyer. Cái tên tác giả quen thuộc với tôi quá nhưng tôi không biết tôi đã đọc tên ông từ đâu từ lúc nào. Mãi rồi cũng nhớ ra ông là người phỏng vấn một nhà vật lý Pháp bỏ nghề làm Khoa Học Gia đi tu thiền và thông dịch viên riêng của Dalai Datma. Chẳng nhớ tên, tra Wikipedia thì cũng ra nhưng không có thì giờ (khoa học gia này tên là Matthieu Ricard).

Pico Iyer dường như chuyên viết du hành ký, và tôi rất ưa đọc du hành ký, đọc rất nhiều nhưng chẳng nhớ gì, tôi có lẽ thuộc về nhóm người đọc và viết là để quên đi những cái mình đã đọc và viết; do đó tôi biết tên Pico Iyer cũng từ những bài du hành ký. Riêng Iyer, ông lại chuyên viết du hành ký về Nhật Bản, và có lẽ trong lúc lang thang trong khu vườn văn học Nhật Bản tôi bắt gặp tên ông.

Iyer có giọng văn duyên dáng, hay đùa, có cái cười nửa miệng, là một trong những đặc tính tôi thích nhìn thấy trong văn học. Trong Lady and The Monk ông đang tìm hiểu về Thiền và viết suy nghĩ về Thiền cùng với những quan sát về phụ nữ Nhật. Tôi thấy thú vị nên đọc được gần nửa cuốn. Ông thấy nhiều người Tây phương sang Nhật với ý định cưới vợ hay tìm người yêu Nhật. Bạn ông, người Anh (hay Mỹ gì đó, quên mất) nhận xét, các cô thiếu nữ Nhật thường muốn lập gia đình vào tuổi hai mươi ba, hay hai mươi bốn. Đến tuổi 25 là đã muộn và đến 26 thì các cô thường hướng về đàn ông Tây phương. Về tuổi lập gia đình của phụ nữ Nhật ở tuổi 24, tôi có gặp chi tiết này khi xem phim cổ điển của Nhật. (Cuốn phim tôi quên tên một thứ soap opera của Nhật sẽ tìm lại sau. Phim tên là Autumn Afternoon của đạo diễn Ozu Jasujiro, một nhóm bạn học cũ gặp nhau và qua câu chuyện của họ những mảng đời được phơi bày trên màn ảnh. Một ông Giám Đốc già có con gái 24 tuổi, bạn bè ông đều hối thúc ông phải tìm mai mối cho cô lấy chồng) Iyer nhận xét những cuộc tình Âu Á một cách hóm hỉnh như sau:

“Besides, the pairing of Western men and Eastern women was as natural as the partnership of sun and moon. Everyone falls in love with what he cannot begin to understand. And the other man’s heart is always greener.”

Chuyện ghép đôi đàn ông Tây phương với đàn bà Đông phương thì cũng tự nhiên như chuyện hợp tác của mặt trời và mặt trăng. Người ta yêu những điều mà người ta chưa hiểu thấu. Và trái tim của người đàn ông chưa thuộc về mình luôn luôn tươi mát hơn. Tôi dịch vội vì phải đi làm nên không chuẩn lắm, bạn nào muốn góp ý xin cứ tự nhiên. Và câu chót thì đầy ý nhị rất khó dịch.

9 thoughts on “Ba mươi phút entry”

  1. Nhận xét của Pico Iyer có vẻ hợp lý và tinh tế theo suy nghĩ HN qua cái nhìn tổng hợp từ thực tế và sách vở. Chuyện BT dịch HN không dám có ý kiến nhưng đọc nghe rất xuôi tai. Hihi.

  2. Pico Iyer là tay đệ tử của Grrene,tôi cũng đang đọc, cùng lúc với Dyer, nên lộn. Đọc “Người đàn ông trong đầu của tôi”, The Man Within My Head,của Pico, mới thú. Viết về Greene, về Người Mỹ Trầm Lặng và về Saigon.

Leave a reply to Anonymous Cancel reply