Tự hỏi khi xem phim

đàn nai trong tuyết
Sáng sớm, chưa có nắng, đứng ở cửa sổ chụp cửa kính hai lớp bụi đóng dơ nên chỉ được như vậy.trái tuyết
Tuyết đóng trên nụ hoa dâm bụt khô.
bộng cây chim làm tổ
Bọng cây này là tổ của con chim gõ kiến.

Ảnh chụp đợt tuyết cuối cùng. Chỉ dọn tuyết phía sau nhà độ nửa tiếng. Phía trước nắng lên tự động tan. Mấy hôm nay trời vẫn còn rất lạnh, buổi sáng lúc đi làm chừng ba mươi độ, buổi chiều đi làm về chừng hơn bốn mươi độ. Ngày mai nghe dự báo là sẽ lên đến 65 độ, trời mưa. Thấy mưa là có chiều hướng của mùa xuân đang khe khẽ về.

Thấy blog của một cô bé nào đó giới thiệu quyển The Shadow of the Wind, tôi mượn ở thư viện về nghe thử thấy hay nhưng nửa chừng thì lại tò mò nghe đọc quyển All Quiet on the Western Front thấy hay quá nên chưa trở lại với The Shadow of The Wind. Cũng qua giới thiệu của các blog bạn tôi tìm xem phim My Sister’s Keeper và Never Let Me Go. Cô út nhà tôi thấy tôi xem hai phim này hỏi bộ mẹ chọn phim có chủ đề tặng hiến hay thay thế nội tạng của con người à. Thật ra thì chỉ là trùng hợp thôi.

Đây là hai phim rất hay. Never Let Me Go dựa trên tiểu thuyết của Kazuo Ishiguro. Phim đặt vấn đề đạo đức cho người xem suy nghĩ. Giả tỉ như có một ngày nào đó khoa học tiến bộ đến độ dùng tế bào của một người, gọi là người chính, để cấu tạo ra một người khác, người phụ, giống y hệt người chính. Người phụ được nuôi với dụng ý sẽ dùng một phần thân thể của người phụ (thí dụ như tim phổi thận tay chân) để thay thế cho một phần thân thể tương tự của người chính nếu bộ phận này bị hư hoại. Thay thế những bộ phận hư hỏng của loài người sẽ giúp được con người sống lâu hơn. Những người phụ này chỉ có thể dâng hiến thân thể của họ chừng ba hay bốn lần là họ sẽ bị loại bỏ. Những người phụ này được nuôi dạy để chấp nhận việc này. Họ biết yêu, biết ghen, biết đau khổ giận hờn có nghĩa là có tâm hồn còn linh hồn thì không biết được. Loài người không biết là những người phụ này có linh hồn, hay tâm hồn hay không. Là con người, bạn nghĩ sao về việc nuôi robot sinh học này? Chấp nhận hay không chấp nhận? Có phản đạo đức hay không?

My Sister’s Keeper đặt ra một vấn đề đao đức khác. Một người mẹ có hai đứa con gái. Cô chị bị bệnh ung thư. Bệnh cô đến hồi nghiêm trọng, cô cần phải thay thế quả thận đã hư hỏng nếu không sẽ chết. Cô em, còn bé hình như 9 hay 10 tuổi, là người duy nhất có thể hiến quả thận cho người chị nhưng cô không chịu hiến dù bà mẹ bắt buộc. Cô bé dưới mười tám tuổi nên phải chịu sự kiểm soát của người mẹ. Cô đi tìm luật sư kiện mẹ ra tòa đòi được quyền ly dị mẹ về mặt y tế y khoa. Bạn nghĩ sao, cô bé đúng hay sai? Người mẹ có quyền lấy một quả thận của đứa em để cứu sống cô chị không?

Cả hai phim đều hay, bắt người xem phải tự hỏi lương tâm mình. Phim Mỹ (My Sister’s Keeper) ồn ào, sống động, hào nhoáng, rực rỡ, đẩy cảm xúc người xem lên đến chỗ cao độ, làm người xem có thể khóc. Phim Anh (Never Let Me Go) ảm đạm, trầm mặc, héo hon, lạnh lẽo như sương mù xứ Anh vì thế dễ làm người xem chán. Nhưng tôi thích phim này hơn phim kia có lẽ vì thích cái không khí người lớn, thích cái kết cục không có hậu, dường như nó đòi hỏi người xem phải ray rức giữa sự chọn lựa một vấn đề đạo đức. Loài người có quyền xử sự chiếm bàn tay của Tạo Hóa hay không? Tôi chẳng thích Keira Knightly chút nào. Cô này đóng phim nào tôi cũng không thích. Nói vậy xin các bạn trẻ đừng giận. Cô út nhà tôi rất thích diễn viên này nên dù tôi không thích cũng làm thinh không nói. Tôi già cả khó tính, thấy cô nàng này đẹp thì cũng đẹp nhưng diễn vô duyên.

28 thoughts on “Tự hỏi khi xem phim”

  1. Cha mẹ của Anna không có quyền ép, dù muốn cứu người chị. BT nghĩ sao về kết thúc của quyển truyện? Mình không thích đọc J Picoult, nhất là chuyện này. Cái kết thúc theo mình nghĩ, lãng xẹt, coi thường người đọc.
    All Quiet on the Western Front mình rất thích. Nhân vật mình thấy thật (convincing) so với J Picoult’s

    1. Mình đồng ý với HN. Lúc xem phim mình không để ý nên không biết đây là truyện của Picoult. Đây là lần đầu mình tiếp xúc với truyện của bà. Mình không biết phim khác truyện như thế nào, nhưng theo lời của DQ thì có thể phim không chuyển tải hết nội dung của sách. Như mình đã nói, phim rất hào nhoáng. Đạo diễn nào làm cuốn phim này có vẻ chìu theo khuynh hướng thị trường, phải vui, tiệc tùng sinh động thì mới lôi kéo được khán giả coi trọng sự giải trí. Kết thúc bằng cách đi chơi hằng năm chung cả nhà để tưởng nhớ người bệnh đã chết thì vui vẻ, cảnh đẹp, độc giả không ra khỏi rạp với tâm trạng nặng trĩu.
      Nếu nhìn quyển sách với tâm trạng của một người muốn viết tiểu thuyết thì mình thấy Picoult có tài. Bà đặt vấn đề bắt người đọc suy nghĩ. Bắt đứa con này nhường quả thận để cứu đứa con kia, có được không, đúng không, về mặt nhân tính và pháp lý. Thêm chi tiết nhà luật sư nhận lời giúp cô bé bảo vệ thân xác của cô bởi vì chính luật sự không thể tự kiểm soát cơ thể của ông ta vì bị bệnh kinh phong. Cộng thêm một chi tiết nữa, cho cô em bị tai nạn trở nên brain dead nên quả thận của cô được dùng để kéo dài mạng sống cho cô chị, đó là cách dựng truyện đầy xung đột đưa từ bi kịch này sang bi kịch khác. Phải viết như vậy mới câu được độc giả và là tác giả best seller. Dù mình không thích lắm loại truyện này nhưng phải công nhận đây là cách viết hấp dẫn. Dĩ nhiên một tác giả không thể chìu ý tất cả độc giả. Mình mà viết được như thế là toại nguyện.
      All Quiet tuyệt vời quá. Mình nghe với tất cả relish.

      1. Mình hâm mộ lối viết truyện ngắn của Amy Hempel. Mình nếu viết được như bà này! Đọc truyện ngắn của bà là mình đọc một chuyện một thôi vì nó gây cho mình một cảm giác bàng hoàng, phải để dành bài khác cho hôm sau. Minh` nghĩ BT cũng sẽ thích Amy Hempel

        http://www.npr.org/templates/story/story.php?storyId=5428036

        Truyện ngắn này thật là tuyệt:

        Click to access in-the-cemetery-where-al-jolson-is-buried.pdf

        Mình không thích J Picoult cho lắm vì- như BT nói, bà viết về vấn đề bắt mình suy nghĩ nhưng- bà không có follow through. Theme của chuyện là freewill trong hành động vị tha, người chị cũng có freewill khi không muốn cô em cứ phải hy sinh cho mình, nhưng cuối cùng cả hai người đều bị mất freewill. Mình nghĩ có thể Picoult cố tình cho tiểu thuyết có irony, nhưng theo ý mình, mình thấy bực với kết chuyện.

        1. Cám ơn HN. Mình sẽ tìm đọc Amy Hempel. Danh sách nhà văn mình muốn đọc cứ càng lúc càng dài ra mà thời gian của mình ngày càng ngắn lại.

        2. Chưa thể nói thích nhiều hay ít truyện của Hempel vì sau khi đọc hai cái link HN dẫn thì thấy đọc loại truyện này không dễ. Nó đòi hỏi một sự tập trung cao độ, mình phải trở đi trở lại nhiều lần để xem bà nói gì, có ngụ ý gì đằng sau những câu văn hay không? Mình bị ốm mấy tuần nay, cảm ho, uống thuốc flu nên đầu óc váng vất, ngầy ngật, khó tập trung vì thế cảm thấy truyện khó hiểu. Hempel không mấy nổi tiếng có lẽ vì cách viết này, kén người đọc. Đọc bà. mình như rơi vào trạng thái của một người nửa mê nửa tỉnh, nhập nhằng giữa mộng và thật, không biết cái nào là ảo tưởng cái nào là chuyện thật.

  2. My Sister’s Keeper thì DQ đọc cuốn tiểu thuyết đó trước khi xem phim. Cả truyện lẫn phim đều làm cho suy nghĩ nhiều. Suy nghĩ về chuyện thiên vị trong gia đình nè. Trong gia đình có 3 đứa con, không lẽ lại thiên vị đứa này, bỏ rơi đứa kia hay ép uổng đứa nọ? Làm cha mẹ thì ai mà không thương con cái, nhưng đâu hẳn vì thương đứa bệnh rồi bắt đứa khỏe mạnh cũng ….bệnh theo? Vậy thì không đúng chút nào.

    Bà Tám còn nhớ nhân vật Jesse, cậu con trai trong gia đình đã bị bố mẹ làm ngơ không quan tâm đã trở thành 1 đứa trẻ hư hỏng không? Chuyện này xảy ra thường xuyên khắp nơi, chỉ vì đôi khi phụ huynh bỏ mặc, không quan tâm đến tụi trẻ rồi từ 1 đứa trẻ ngoan ngoãn cũng sẽ trở thành hư hỏng (không phải vì bản chất hư, mà chỉ vì muốn làm 1 điều gì đó để cho cha mẹ, gia đình quan tâm, chú ý đến mình hơn).

    Trong “My Sister’s Keeper”, thấy thương thương cô chị Kate, vì cổ cũng đâu muốn cô em Anna phải hiến quả thận cho mình đâu.

    Trong phim thì cô chị Kate mấyt trong bệnh viện. Nhưng trong truyện thì đến khúc cuối, vì tai nạn xe, Anna cũng bị brain-dead, nên quả thận của Anna cũng được hiến tặng cho cô chị Kate để cô chị Kate sống thêm vài năm nữa. Tuy nhiên, lúc đó thì không phải vị ép buộc mà vì hoàn cảnh lúc đó lại khác.

    Quay lại giả sự thực tế, trong gia đình có em út bị bệnh, DQ phải hiến tặng 1 phần thân thể để cho em út sống vui thì DQ cũng sẽ làm. 😉

    1. “Trong phim thì cô chị Kate mấy trong bệnh viện” <== mấy = mất (gõ bằng phone, autocorrect sửa chữ vậy đó) 😉 🙂

    2. DQ luôn giàu lòng vị tha, nên nếu có cho em hay chị quả thận thì mọi người đều không ngạc nhiên, vì biết DQ sẽ làm như vậy. Mình đặt câu hỏi, nếu như đem quả thận của Anna thay cho Kate mà vẫn không cứu sống được Kate thì sao? Giả tỉ như Anna về sau vì biến chứng gì đó mà trở nên bệnh hoạn tật nguyền và nguyền rủa người mẹ suốt đời rồi sau đó Anna cũng yểu mệnh thì bà mẹ sẽ sống suốt đời với sự vắng bóng của hai đứa con và trong đó có một đứa sẽ ghét mình đến khi chết, thì sao? Đặt giả thuyết cho vui vậy thôi, chứ dĩ nhiên người mẹ phải tôn trọng ý muốn của con mình chứ, vì đó là chuyện mạng sống của mỗi người mà.

  3. “Never Let Me Go” là bộ phim đầu tiên tôi coi có Keira Knightley đóng. Có lẽ một phần bị ảnh hưởng do tính cách nhân vật trong phim nên từ đó tôi cũng không thích Keira. Sau này coi “Begin Again” hay “The Imitation Game” cũng vậy. Tôi lại có cảm tình với Carey Mulligan (nhân vật Kathy H), nhìn cô ấy rất hiền. Trước đó Keira với Carey cũng cùng đóng “Pride & Prejudice.” Nhắc đến “Pride & Prejudice” lại nhớ Rosamund Pike, không biết Bà Tám đã coi “Gone Girl” chưa? 🙂

    1. Tôi xem nhiều phim Keira đóng vì cô út nhà tôi thích xem cô này, nhưng tôi chẳng ưa được cô này, không phải vì cô đóng vai dữ mà vì cách cô đóng. Tôi chưa xem Gone Girl. Đây là câu chuyện anh chồng giết vợ ở tiểu bang tôi đang sống nên tôi đã đọc báo biết cốt truyện rồi. Thấy ở thư viện hôm nay 275 người xếp hàng chờ được xem phim. Nếu tôi đặt phim hôm nay chắc phải vài tháng sau mới đến phiên tôi được xem.

          1. Cháu thấy phim bình thường, không có gì đặc sắc như mọi người rùm beng, nhưng cô diễn viên chính đóng phim này hay ạ (chính là cái cô đóng vai chị cả Jane trong Pride & Prejudice).

            1. Cô cũng nghe vài người nhắc đến phim này. Cô nhớ có nhìn thấy ảnh của diễn viên này ở đâu đó, một nét đẹp hiền dịu.

  4. Chà, không biết cô Tám xem Atonement chưa nhỉ? Cũng có Keira nhưng hồi đó cháu xem chủ yếu vì thích James McAvoy, xem xong là cũng mê Keira luôn :))

    1. Cô có xem Atonement chung với cô con út nhưng quên mất chi tiết của phim rồi. Cô nghĩ người ta thổi phồng truyện của Austen quá đáng (cô chỉ xem phim thôi chưa đọc sách nhưng rất có thể phim không hay bằng sách). Cháu đừng phật ý nha. Cô không dám chê trước mặt cô con út của cô vì sợ nó phật ý không chia sẻ ý thích về phim của nó. Cô nghĩ có lẽ cô lớn tuổi quá nên những chuyện, truyện, hay phim về tình yêu theo quan điểm của một cô gái trẻ không hấp dẫn cô nữa. Hồi xưa cô mê Jane Eyre và Wuthering Height biết mấy. Cô vẫn nghĩ vì cô không thích cách diễn của Keira nên đâm ra không thích những truyện của Austen và vì thích những truyện của Bronté nên chưa bao giờ cố tìm xem có phim của những quyển này hay không. Nếu cả cháu cũng thích Keira thì cô sẽ thử xem lại lần nữa và sẽ cố không xem bằng con mắt định kiến của mình.

      1. Ủa, hình như phim Atonement là dựa theo truyện cùng tên của McEwan mà cô, sách đọc khá hay, và chủ đề chính không phải là tình yêu. Cháu chưa xem phim, có lẽ phim làm theo hướng khác.
        p/s: cháu rất thích Austen, nhẹ nhàng hài hước gần gũi, tuy về mặt độc đáo cá tính thì không bằng nhà Bronte.

      2. Cháu từng đọc Kiêu Hãnh Và Định Kiến của NXB Văn Học. Nó cứng và khô kinh khủng cô ạ, lúc đó cháu còn nghĩ không thể có chuyện tiểu thuyết lãng mạn nhất mọi thời đại lại “ảm đạm” như thế này được. Mà vốn là cháu xem phim thấy ok nên mới mò đi tìm sách đọc đấy chứ. Chắc chắn một ngày nào đó cháu sẽ tìm bản gốc Tiếng Anh để đọc lại xam sao.

        1. Cô xem phim rồi nghĩ là khó đọc quyển này, có lẽ cô già cỗi quá rồi. Cô vẫn có thể đọc lại Wuthering Height nhưng Jane Eyre thì không muốn đọc nữa.

  5. My Sister’s Keeper và Never Let Me Go, hai phim này cháu cũng rất thích. Nói tới Kazuo Ishiguro, tình cờ hôm nọ cháu được bạn giới thiệu một tập truyện ngắn “Dạ khúc Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông”. Có những người cháu nghĩ sinh ra là để viết văn, bởi giọng văn cứ như là hơi thở. Kazuo thì cứ như thở ra văn chương.

Leave a comment