Di tản khỏi building

Sáng qua, tôi đi lấy nước pha trà ở căng tin của công ty. Thấy mấy ông sếp cao cấp đi cùng với nhau, người nào cũng mặc áo khoác như chuẩn bị ra ngoài trời. Ở đây đang lúc lạnh kỷ lục. Buổi tối chỉ có một độ F (-17 độ C). Lấy nước xong trở ra thấy bà thư ký của nhóm mặc áo khoác, xách ví, như đi về. Đi vài bước nữa gặp bà sếp trực tiếp hướng dẫn tôi, cũng mặc áo khoác. Tôi đoán cả department đi ra công trường. Thỉnh thoảng những người cao cấp đi quan sát các đường xe lửa cầu cống ngang dọc khắp tiểu bang để có thể sửa chữa tu bổ kịp thời. Ly nước trà chưa đủ nóng tôi mang vào căn bếp nhỏ của tầng lầu, (mỗi tầng đều có bếp cho nhân viên) cho vào microwave hâm nóng. Dọc đường gặp cậu bé tên S. Cậu cũng mặc áo khoác ra ngoài trời. Cậu này trẻ, đẹp trai, tính hòa nhã thân thiện. Tôi hỏi cậu cũng đi inspection với sếp lớn à.

Cậu nói: “có một ống nước chính bị vỡ ở tầng lầu nào đó. Mọi người di tản khỏi building.”

Tôi ngạc nhiên: “Nhưng chẳng có báo động của công ty.”

“Không có báo động. Nhưng tôi chẳng muốn chờ báo động. Tôi ra khỏi building đây.”

Ông Mỹ trắng, có biệt danh, Mr. Perfect, đi ngang nhà bếp nhìn tôi bảo rằng. “Nhóm của bà đã di tản hết rồi sao bà còn đứng đây?” Ông có tên Mr. Perfect là vì buổi sáng khi tôi chào ông và hỏi “how are you” thì ông luôn trả lời “I am perfect!” Khi ông hỏi xã giao trở lại, tôi cũng đùa là “I am close to perfect.” Và ông đặt tên cho tôi là “bà close to perfect.” (Gần như là hoàn hảo.)

Tôi trở về chỗ làm việc của mình. M. ở trong phòng làm việc bên cạnh phòng làm việc của tôi vẫn cắm cúi bận rộn với công việc. Phòng họp bên cạnh phòng làm việc của M. đóng kín vì có ba người đang phỏng vấn thu dụng nhân viên mới. Tôi lập lại lời của S. về vụ di tản khỏi building. Một nhân viên khác đến gần tôi và tôi nhìn ông ta dò hỏi. Ông ta gật đầu, bà phải rời building.

Tôi mặc áo khoác, đeo găng, đội mũ. Khi tôi ra đến cầu thang thì tầng lầu của tôi đã vắng lặng. Cầu thang thì đông nghẹt người nhưng cuộc di tản, triệt thoái diễn ra trong im lặng, không có xô đẩy, nhốn nháo, hay hốt hoảng. Xuống đến đường, mặc dù chúng tôi được bảo là phải đến một khu công viên trống trải đã định trước dành riêng cho những biến cố xảy ra. Tuy nhiên trời lạnh quá tôi đi vào dãy hành lang nối liền với nhà ga. Sẵn đó tôi đi bộ hai ba vòng trong hành lang. Đã mấy tuần nay tôi không đi bộ được vì trời tuyết và lạnh quá.

Vừa đi tôi vừa thầm nghĩ. Cả bà thư ký và bà sếp trực tiếp của tôi, di tản mà không nói một lời bảo tôi phải di tản. Họ nhìn tôi như thể tôi là bóng ma, không hiện diện. Giả như có chuyện lớn, thay vì vỡ ống nước mà là hơi độc, thì họ bỏ tôi lại để cho tôi chết ngạt hay sao. Và mọi người truyền tai nhau rút lui khỏi building, họ có một đường dây thông tin riêng mà những người như tôi không có nằm trong hệ thống đó.

Tôi tự hỏi, có phải tôi là nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc, hay đó chỉ là sự vô tình của con người, khi gặp hoạn nạn ai cũng lo chạy thoát thân chứ không quan tâm đến người khác. Nhưng tôi báo cho M. biết. Và T. một nhân viên khác, đã gõ cửa phòng phỏng vấn và từ tốn bảo mọi người phải di tản. Giọng nói ấm áp đầy vẻ yên tĩnh của cậu làm tôi có thiện cảm với cậu hơn bình thường. Khoảng nửa tiếng sau, tôi quay trở lại và nhận được email cùng với text ra lệnh trở lại công ty làm việc như bình thường.

26 thoughts on “Di tản khỏi building”

  1. Đó chỉ là sự vô tình của con người ngày nay thôi chị ơi. Ở văn phòng nơi em làm việc cũng thế, người ta cũng lặng lẽ tự di tản, rủ một vài người quen của mình đi theo để tám chuyện.
    Tuy nhiên em hiểu cảm giác lạc lõng ở thế giới những người da trắng, bình thường đã thì màu da đã khiến cho mình cảm thấy xa cách, khi có sự cố gì xảy ra thì cảm xúc đó lại bị đẩy mạnh lên nữa.
    E thấy phù hợp khi dùng 2 từ “chênh vênh” để chỉ người VN ở nước ngoài, về lại quê hương thì ko muốn, tuy nhiên ở lại thì cũng …
    Chúc chị 1 năm mới nhiều niềm vui hơn

      1. Đọc bài của BT tự nhiên cháu thấy buồn. Cháu từng ước sẽ được sang nước ngoài làm việc, nhưng cháu ko nghĩ là cs lại có gì đó buồn đến vậy. Cháu chúc Cô sớm vui trở lại và sống thật vui vẻ. Cháu từ Blog https://blogsongcham.wordpress.com/ ạ.
        Cháu cũng biết Cô có theo dõi Blog này. Cháu rất hân hạnh ạ chúc Cô một ngày vui vẻ a

  2. Nói họ vô tâm cũng được, mà vô tình cũng không sai. Thôi thì nghĩ sao để mình cảm thấy nhẹ lòng là được rồi chị Tám.

  3. Boss vô tình với mình như vậy, như mình không hiện diện như BT nói, buồn lắm mình biết. Đôi khi mình có dịp để biết ai có lòng với mình.

    1. Ôi, họ thương hay không thương chỉ vài năm nữa là mình về hưu (làm được ba chục năm thì được về hưu với trọn vẹn chế độ bổng lộc 🙂 thì chẳng bao giờ còn gặp họ nữa.

  4. Khi họ nhắn tin trở lại làm việc, cho thấy cái thiếu trách nhiệm với cấp dưới, không riêng bà Tám và còn một ít người không hay biết gì và cũng may là mọi sự bình yên.

    1. Dạ đúng vậy. Có nhiều người cũng không biết việc di tản chứ không phải mình Tám. Do đó không thể nói người ta kỳ thị.

  5. Có lẽ họ nghĩ Bà Tám cũng đã nhận được thông tin bảo phải rời khỏi building rồi chăng? Hi, mà thôi kệ họ. Em chúc chị năm mới an vui chị nhé 🙂

  6. Cháu nghĩ là mỗi công ty có đặc điểm riêng và có cách thức riêng. Không có vấn đề gì nghiêm trọng với tòa nhà và còn bình an là may mắn rồi cô nhỉ. Hết giờ về nhà với chú thôi cô ạ 😀

    P.S.: bên cháu thì đúng là mỗi nơi mỗi khác, mọi người ở văn phòng nơi cháu làm việc rất quan tâm tới nhau (sếp thì đi lùa nhân viên khi có báo động bằng được tới khi đi hết thì mấy sếp mới chạy xuống) nhưng bạn bè cháu ở các công ty khác cùng nơi cháu sống cũng kêu la oai oái cô ạ.

  7. Em cũng không thể nghĩ ra được lý do vì sao họ làm ngơ khi đi di tản mà không báo cho Bà Tám biết á. Như chỗ em hôm nọ, khi đi di tản (vì nghi có bom) là bà con réo nhau í ới á.

    Có lẽ chỗ Bà Tám làm việc khác, chứ chỗ DQ làm thì hễ có chuyện gì là mấy sếp sẽ phải lùa nhân viên đi hết trước rồi mới đi đó chị. Chỗ em làm thì nhân viên có đủ sắc dân khác nhau nên chưa từng thấy kiểu bị làm ngơ kiểu dzậy á.

    Ôm Bà Tám cái nè. Thôi, mọi sự bình yên là mừng rồi ha Bà Tám (nhưng sau khi quay lại làm, Bà Tám có cho cấp trên biết chuyện những ng` khác làm lơ BT khi họ di tản hông dzạ ?)

  8. Bận tết nhất, nay mới quay lại trang này thăm BT, bình yên là vui rồi, chuyện này chắc không do kỳ thị, có thể chỉ do ngẫu nhiên. Dầu sao thì “sống chết có số” nhưng là dịp để mình check lại mọi nhìn nhận. Chúc BT mãi vui nhé.

  9. cho phép cháu được gọi cô bằng cô ạ, vì cháu nghĩ cháu kém tuổi cô rất nhiều. Đối với những người trẻ như chúng cháu đây đang sinh sống và học tập tại Việt Nam luôn mong ước được sống ở nước ngoài. Cháu cũng đang dự định đi du học nhưng bố mẹ không đồng ý, vì bố mẹ cháu sợ lạ nước lạ cái, nơi xứ người sẽ khó sinh sống. Cháu đã từng đảm bảo mình sẽ sống tốt được một mình ở bên đó. Thế nhưng đọc những gì cô viết ở trên cháu bỗng thấy hoang mang quá 😦

    1. Cháu cứ tiếp tục ý định đi du học đi. Lâu lâu cô ca cẩm như thế chứ thật ra đa số mọi người rất tốt. Lúc mới sang cháu có thể vất vả một tí nhưng sẽ ổn định nhanh chóng. Những người chung quanh cũng sẽ hướng dẫn cháu tận tình. Đừng sợ.

  10. Chào cô!

    Đọc hết bài và lướt comment, mới biết cô cũng lớn tuổi, trước giờ toàn gọi bằng chị thật là thất lễ. Thật sự đọc xong bài này cháu cũng thấy nhiều nét tương đồng quá, nhất là cháu cũng vừa vào làm ở vị trí leader của một công ty 100% nước ngoài, nhiều khi thấy cũng “chạnh lòng” lắm cô ạ, nhưng nghĩ theo hướng tích cực thì mọi chuyện sẽ thấy tích cực hơn, cái này là quan điểm của cháu thôi. Dù sao cũng chúc cô năm mới vạn sự bình yên cô nhé. 🙂

    1. Cám ơn cháu. Công ty này khác công ty kia. Người lãnh đạo nơi này khác người lãnh đạo nơi kia. Ngay cả chính bản thân mình cũng khi vầy khi khác. Tôi tin chắc mọi sự sẽ tốt đẹp với công việc của cháu. Chúc mọi sự đều đúng như ý cháu mong muốn.

Leave a reply to vanganhxinh Cancel reply