Xem Ratatouille nghĩ đến phê bình văn học

Chủ nhật mấy tuần trước tôi mời Ách Cơ và cậu bạn trai của nàng, về ăn phở. Ông Tám mời thêm hai người cháu trai, một kêu bằng chú, một kêu bằng cậu đến chơi. Tôi dặn Cá Linh là đừng có chọc ghẹo đời tư của mấy cậu trẻ tuổi này tại vì tôi biết tính con tôi. Coi nó hiền hiền im ỉm vậy nhưng giữa đám người cùng trang lứa nó thuộc loại mồm năm miệng mười. Tấn công chọc ghẹo không ngừng, cũng may mọi người thấy nó khôi hài nên chẳng giận.

Ách Cơ từ nhỏ đã thích nấu ăn làm bánh. Hiện nay Ách Cơ đang nấu ăn, phụ trách phần pasta cho một nhà hàng haute cuisine. Trong bữa ăn, khi Ách Cơ khoe khả năng nấu pasta của nàng được nhà phê bình ẩm thực của báo New York Times khen ngợi, người anh họ hỏi, ở đâu mà có cái tài nấu ăn này. (Ai cũng biết cả tôi và ông Tám không biết nấu ăn). Cá Linh chêm ngay vào “Where is the rat?” Con chuột đâu rồi?

Ông Tám và hai cậu anh họ, có thể có, nhưng cũng có thể không, hiểu ý Cá Linh. Tôi nghĩ chỉ có tôi và hai nàng con gái thích xem phim hoạt họa. Tôi với Ách Cơ thì biết chắc Cá Linh nhắc đến con chuột Rémy trong phim Ratatouille, ngụ ý Rémy là người chỉ dẫn Ách Cơ nấu ăn.

Tôi xem phim này nhiều lần, con tôi thường bắt gặp tôi xem lại phim hoạt họa này. Ngay cả con tôi cũng không hiểu tại sao tôi thích xem phim dành cho trẻ con. Có gì đâu, tôi thích xem phim. Với những người quen ở Việt Nam đến chơi, tôi thường quảng cáo không công, Hoa Kỳ có hai thứ rẻ tiền đáng được thưởng thức, đó là kem (ice cream) và phim ảnh. Phim của Mỹ rất hay, ngay cả phim trẻ con cũng có bài học dành cho người lớn. Nói riêng về phim Ratatouille, tôi tìm thấy ý nghĩa phê bình văn học trong phim này.

Ratatouille là tên một món ăn dân dã của người Pháp. Wikipedia nói rằng xuất phát từ vùng Nice. Dường như, đây là một món xào các loại rau cải thừa vụn trong nhà chung với xốt cà, một món ăn bình dân ở vùng thôn quê. Sẵn đây, tôi xin tóm lược phim, kẻo quí vị người lớn không biết đến phim hoạt họa dành cho trẻ em này nói gì. Ở Paris có một nhà hàng rất nổi tiếng, của một người đầu bếp trứ danh tên Gusteau làm chủ. Gusteau có một quan niệm khá đặc biệt là “bất cứ người nào cũng có thể nấu ăn” không cần phải có một tài năng thiên phú. Gusteau qua đời, nhà hàng bị xuống cấp, từ năm sao thành ba sao. Nhà hàng của Gusteau bị xuống cấp vì lời phê bình khắc nghiệt của Anton Ego, một nhà phê bình ẩm thực danh tiếng. Remy, con chuột có tài bẩm sinh phân biệt mùi vị rất tinh tế, thích thức ăn, thích ăn ngon, và đặc biệt là rất đam mê nấu ăn. Remy giúp Linguini, đứa con rơi của Gusteau, dùng món Ratatouille chinh phục Anton Ego. Không ai dám nghĩ là một món ăn bình dân ở thôn quê lại có thể được dâng hiến cho thực khách trong một nhà hàng nổi tiếng trên thế giới ở giữa lòng Paris. Thì bạn cũng biết mà, lạ miệng nên thấy ngon. Hoàng tử còn phải lòng khoai lang Dương Ngọc kia mà. Cũng không ai ngờ tận trong đáy tim của một nhà phê bình ẩm thực nổi tiếng khắc nghiệt lại ẩn chứa sự thèm khát tình yêu của mẹ và nuối tiếc tuổi thơ hạnh phúc của một chú bé quê mùa.

Sau đây xin mời các bạn đọc vài đoạn trích dẫn trong phim. Đoạn đầu là lời phát biểu của đại đầu bếp Gusteau. Đoạn thứ hai là lời nói của nhà phê bình ẩm thực Anton Ego. Tôi dịch:

Văn chương cũng giống như âm nhạc bạn có thể nếm được, màu sắc bạn có thể ngửi thấy. Cái tuyệt hảo luôn có mặt chung quanh bạn. Bạn chỉ cần dừng lại và thưởng thức sự tuyệt hảo này.”

Văn chương bậc nhất không phải là thứ dành cho những người nhút nhát. Bạn phải có óc tưởng tượng phong phú, phải can đảm. Bạn phải thử nghiệm những phương pháp có thể không dẫn đến thành công. Và bạn phải tránh không để bất cứ người nào giới hạn tài năng của bạn bởi vì nơi bạn xuất thân. Cái giới hạn độc nhất của bạn chính là tâm hồn của bạn. Những điều tôi nói đây là sự thật. Người nào cũng có thể viết văn. Nhưng chỉ có những người can đảm mới có thể là nhà văn lớn.”

Dưới đây là lời nói của Anton Ego:

“Ở nhiều khía cạnh, công việc của nhà phê bình rất dễ dàng. Chúng ta chẳng mất mát gì, tuy thế chúng ta có thể hưởng thụ chỗ đứng bên trên những người đã dâng tặng tác phẩm của họ và cả cá nhân của họ nữa cho chúng ta phê phán. Chúng ta phát triển nhờ những lời chê bai chỉ trích, chuyện xấu thì dễ viết và người ta thích đọc. Nhưng sự thật cay đắng mà chúng ta, những nhà phê bình phải đối diện đó là, trong tầm nhìn rộng hơn, một tác phẩm trung bình có lẽ vẫn có giá trị hơn là những lời chê bai của chúng ta dành cho nó. Tuy nhiên cũng nhiều phen khi một nhà phê bình dám liều đánh mất thể diện hay danh tiếng, đó là khi khám phá ra và bảo vệ, người mới. Thế giới thường xuyên không mấy nhân hậu với tài năng mới hay tác phẩm mới. Người mới cần có bạn bè. […] Trước đây, tôi không hề dấu diếm sự khinh thường tôi dành cho khẩu hiệu của Gusteau: ‘Bất cứ người nào cũng có thể viết văn.’ Nhưng tôi nhận ra, chỉ bây giờ tôi mới thật sự thấu hiểu ý nghĩa câu nói của ông. Không phải ai cũng có thể trở thành một nghệ sĩ lớn, nhưng một nghệ sĩ lớn có thể xuất thân ở bất cứ môi trường nào. […]

Xin lỗi các bạn tôi đã thay đổi những chữ liên quan đến món ăn hay nấu ăn thành ra chữ văn học hay viết văn có in đậm và cắt bớt một vài câu. Bạn có thể đọc nguyên tác đoạn văn Anton Ego nói trong phim ở Wikiquote. Phần trích dẫn Chef Gusteau tôi chép từ trong phim.

1234567

13 thoughts on “Xem Ratatouille nghĩ đến phê bình văn học”

  1. Những điều bất ngờ dị thường, bình dân mộc mạc chẳng cầu kỳ thường mang mình đến gần với mọi người, chính cái đa số nầy làm nên danh tiếng cho những ai biết nắm lấy cái sở thích của đại đa số. Người Pháp chuộng vẻ kiêu sa ngay cả trong phần ăn uống, họ cũng muốn tô điểm sao cho đẹp mắt, tính cách trưởng giả không phải là thiểu số ở Paris. Ngay cả người dân Pháp khi đi đến đâu họ cũng ngại vô nhà hàng ăn bởi cái trang trọng trong lối bày trí.
    Có lẽ! chúng ta hiểu ngầm là hãy mạnh dạn đưa ra những phát minh dù đó chỉ là một thứ vặt vãnh nhất trong cuộc sống hàng ngày, bởi cái văn minh hiện đại một phần nào đã làm quên đi cái đơn giản nhất, cái gần gũi nhất mà bất kỳ ai trong thời niên thiếu trải qua dù sống ở đâu nông thôn hay thành thị. Nếu biết cách đưa sáng kiến ấy vào cuộc sống hòa chung với môi trường hiện tại.
    Không biết Nguyenmk có sai gì chăng!

  2. Thật trùng hợp khi hôm qua cháu đang làm việc nhà cũng đã nghĩ đến câu nói: “Không phải ai cũng có thể trở thành một nghệ sĩ lớn, nhưng một nghệ sĩ lớn có thể xuất thân ở bất cứ môi trường nào.” (tính cháu thì khi làm việc nhà là lúc hợp để suy nghĩ linh tinh nhất)

    Quả là không nên bao giờ đưa ra đánh giá về khả năng của ai đó chỉ thông qua xuất thân của họ. Nhưng để làm được việc ấy, đòi hỏi sự công tâm và công bằng cũng như một đầu óc luôn cởi mở, điều không phải ai cũng có được.

  3. Con rất là thích phim này ạ. Rất rất ư là thích luôn ạ. Nice cũng đẹp lắm ạ, khí hậu ấm áp, bãi biển rất đẹp và rất sạch vì biển ở Nice là bãi sỏi chứ ko phải bãi cát. Nice nhỏ nhỏ yên bình dễ thương như bạn chuột trong phim vậy đó ạ, và kem cũng rất ngon nữa ạ :D.

      1. Dạ không, con vẫn đang ở Berlin, 2 tuần nữa con mới chạy sang đó :D, mà cũng hông được đi Nice. Con có cô bạn thân ở Nice nên mới biết chỗ đó ạ. Nice ấm áp lắm ạ, giống như Đà Lạt vậy, nhiệt độ chả mấy khi xuống âm, hôm nào mà Nice đổ tuyết là mọi người được ở nhà hết vì bus không chạy 😀

          1. Dạ đúng rồi ạ. Nice ấm quanh năm, đến mùa đông ở Berlin hay Paris sương tuyết mù mịt thì ở Nice cũng chỉ chớm lạnh thôi ạ. Có năm bên con xuống -15 độ thì Nice mới bắt đầu đổ tuyết hơi hơi, năm đó con nhớ cô bạn con còn réo con trên mạng khoe là Nice đổ tuyết rồi được nghỉ làm ở nhà sướng quá xong con nói đổ tuyết sao cái cô bạn con chụp hình thấy có một lớp tuyết mỏng te trong khi Berlin tuyết dày ngập chân mà tụi con vẫn hông được nghỉ hichic. Nice có một khu phố cổ nho nhỏ trỏng có bán kem rất ngon ạ, tới ba mươi mấy mùi mà mùi nào cũng ngon :D. Con qua Nice là ko muốn về luôn, tại kem ở Berlin dở lắm ạ hichic

Leave a comment