Cũng ngày này sáu năm về trước

Sáng nay ngồi nghĩ sáu năm về trước, ngày 5 tháng 1 có gì lạ, tôi lục ảnh cũ ra xem.

Tôi đưa cô út và hai đứa cháu gọi tôi bằng bác đi xem phim trong một thương xá cách nhà chừng 20 phút lái xe. Thương xá ở Mỹ có cách thiết kế giống nhau. Thường thương xá cỡ lớn có một rạp chiếu phim, mỗi rạp có nhiều phòng chiếu có thể chiếu năm hay bảy phim cùng một suất. Mỗi thương xá có những cửa hiệu danh tiếng như Macy, Bloomingdale, JC Penny trấn ở mỗi cửa. Khách có thể đi từ đầu này của thương xá sang đầu kia của thương xá mà không cần phải đi ra ngoài. Những cửa hiệu lớn thường có hai hay ba tầng. Thương xá là nơi du khách đến viếng nhiều, cũng tương tự những chỗ nổi tiếng như viện bảo tàng, vườn bách thảo, v.v…

Đi mall (thương xá) là chuyện thường, giải trí, của nhiều người, trẻ lẫn già. Vì ngoài rạp chiếu phim cửa hàng bán nhiều đồ rất đẹp mắt, trang trí mỹ thuật, còn có nhà hàng, quán ăn, chỗ gặp nhau của nam thanh nữ tú. Trẻ con có thể viếng những cửa hàng bán đồ chơi. Ngay cả đồ chơi cũng có những thứ hấp dẫn, mở mang kiến thức. Tôi thì thích vào tiệm sách, gọi miếng bánh, ly cà phê và đọc những tạp chí có nhiều hình ảnh mỹ thuật hiện đại hay cổ điển.

Nhìn lại mấy tấm ảnh, sau khi xem phim chúng tôi đến một cửa hiệu bán đồ chơi. Cô út nhà tôi mặc cái áo khoác nâu, người nhỏ nhắn, năm nay đang học năm thứ ba đại học. Hai đứa cháu, cô cháu gái đeo mắt kính, cậu em trai của cô đứng cạnh cô út nhà tôi, cả ba được bác phát cho mỗi người hai chục đồng dằn túi, vào cửa hàng bán đồ chơi mà không thể mua món đồ chơi nào. Muốn mua một món vừa ý thì phải cả ba hùn tiền lại.

Năm nay, cô cháu gái sắp lên lớp 12. Cậu bé kia đã cao vượt cô út nhà tôi và chị của cậu một cái đầu. Vẫn còn gà tồ và bắt đầu biểu lộ cái angst của tuổi teen.

Tôi nhìn thời gian trôi qua trong những tấm ảnh. À, nói thêm, mấy tấm ảnh này toàn là chụp lén. Hễ mấy ông bảo vệ nhìn thấy là quát mắng hạch hỏi ngay, cấm đoán đủ thứ. Bao giờ người dân mới có thể trở lại cái thời thanh bình, muốn chụp ảnh ở đâu cũng được, nhỉ?

Thời gian trôi qua mang đi mất cái cảm giác an toàn của thường dân.

Lại nói thêm: Hôm qua tôi đăng bài của bác Túy về hiện tượng xã hội đồng tính luyến ái trong văn học; cụ thể là quyển Sông của Nguyễn Ngọc Tư và Người Tình Sài Gòn của Linh Lê. Vì bài này đăng ở Sáng Tạo  nên tôi đem cất bài của bác Túy đi vài bữa sẽ mang ra đăng lại để các bạn góp ý kiến.

12 thoughts on “Cũng ngày này sáu năm về trước”

  1. Quang cảnh trong mall thật lung linh và ấm áp, khác hẳn với mùa đông lạnh giá chỉ hai màu trắng xám bên ngoài phải không chị?
    Từ “mall” của Tây thì hiện đại mà Bà Tám dịch thành “thương xá” của Đông nghe cổ cổ hay quá ạ. Em trước giờ chỉ biết dịch là “khu mua sắm” thôi, nay học thêm được một cách dịch rất thú vị 🙂

    1. Chữ thương xá là chữ dùng trước năm 75. Ở VN lúc bấy giờ có thương xá Rex, nhưng so với mấy thương xá bên này thì nhỏ hơn nhiều. Cám ơn cô Nhỏ.

      1. – “…Ở VN lúc bấy giờ có thương xá Rex…”

        Bà Tám ơi,
        Đầu năm, cháu…to gan “ngắt”…nhẹ nhẹ Bà Tám “già cả” bị rung rung tay…gõ lộn phím, một cái đó nghen! Hihi…
        Bảo Vân cháu hiện đang học ở..”Sè goòng”, nên nhơ nhớ có Thương Xá Tax, và…Khách sạn Rex…chớ bộ!

        – “Thương xá Tax có một lịch sử lâu đời và được bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ 19, là một phần của Sài Gòn xưa hoa lệ
        (…)
        Thương xá Tax ngày ấy được mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC) được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp với những nét chấm phá mang đậm đường nét văn hóa Á Đông. Les Grands Magazins Charner tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của trung tâm Sài Gòn, kinh doanh các mặt hàng bazar sang trọng được nhập khẩu chủ yếu từ Anh, Pháp và các nước phương tây nhằm phục vụ cho giới thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ Lục tỉnh Nam kỳ vào thời kỳ đó…”

        http://www.thuongxatax.com.vn/Bai-viet/Gioi-thieu/Ban-do,229,chi-tiet.html

        1. Đọc comment của Hồng Ngọc đã thấy ngờ ngợ không biết là thương xá Tax hay thương xá Rex, nay nhờ Bảo Vân ngắt nhẹ nên biết là mình sai lại thêm một lần nữa đổ thừa cho bộ óc già. Cám ơn BV nhen.

      2. 3/ Hổng có tiền vào…Rex, nên đành “lủi thủi” tham quan Khách sạn Rex…bằng clip, thư giãn vậy! hihi…

    2. Bà Tám và chị Cô nhỏ ơi,
      Cho phép Bảo Vân cháu…”bất lịt sự”…“xía vô” một chút, nghen! Hihi…

      Cũng như chị Cô nhỏ, Bảo Vân cháu cũng cảm thấy rất hay hay thú vị với từ “Mall” được Bà Tám chuyển dịch thành “Thương xá”; vậy là nay học hỏi được thêm nghĩa của một từ…”cũ người mà mới ta!”
      Cháu cám ơn Bà Tám!

      Bà Tám ơi,
      Thú thật, cái từ “Thương xá” này, Bảo Vân cháu đã từng được nghe và biết hồi cháu còn học lớp 12, lúc ấy, cháu đọc thấy người ta chuyển dịch cái từ “Thương xá”, thế này:

      – “The Saigon Tax Trade Centre (Vietnamese: Trung Tâm Thương mại Thương xá Tax) is a shopping centre in District 1 of Ho Chi Minh City, Vietnam. It is located at 135 Nguyen Hue Street, in Ben Nghe Ward.”

      Và, khi cháu học môn Anh Văn lớp 12, hồi ấy, cháu cũng có từng tìm đọc tham khảo bộ sách ENGLISH FOR TODAY (chương trình Anh Văn trước 1975), thì thấy, ở Book Four (sách có bìa màu đỏ) trong Lesson 14 : “Shopping Centers – Các trung tâm bán hàng”.
      Ở đoạn mở đầu, Giáo Sư Lê Bá Kông chuyển dịch từ “Mall” là “Khách đường”…đó Bà Tám!

      Cháu gõ đoạn ấy, mọi người cùng đọc…thư giãn, thưởng ngoạn cách chuyển dịch từ Mall, cùng văn phong chuyển dịch của một nhà giáo tiền bối, nghen…( Điều thú vị nữa là, cái đoạn này lại miêu tả về những “Thương xá” (các trung tâm bán hàng) của tiẻu bang New Jersey cách đây hơn 40 năm, cái tiểu bang New Jersey mà gia đình Bà Tám hiện đang…cư ngụ! hihi…)

      -“It was a windy winter day in New Jersey. Yet in the central mall of the Cherry Hill Shopping Center, tiny children were playing around a fountain, putting their hands into the splashing spray. Nearby their mothers watched from benches, unconcerned with the cold. For this was one of the amazing new shopping centers with enclosed malls that are warm in winter, cool in summer. In the mall, which stretches for a third of mile past seventy-five stores and shops, people were lunching in a sidewalk café, looking out upon palm trees and a 20-foot high aviary alive with tropical birds…”

      Gs Lê Bá Kông chuyển dịch:

      – “Đó là một ngày tiết đông lớn gió ở New Jersey. Tuy thế, ở đại khách đường trung ương của Trung Tâm Bán Hàng Cherry Hill, những trẻ em vẫn chơi đùa quanh một bồn phun nước, chìa tay vào tia nước bắn tung tóe. Gần đó, mẹ chúng ngồi trên ghế dài coi chừng chúng và không quan tâm đến sự lạnh lẽo. Vì đây là một trong những trung tâm bán hàng mới và thật tài tình, có những khách đường quay kín, nó ấm áp về mùa đông và mát về mùa hè. Trong khách đường chạy dài tới hơn 500 thước đi qua 75 tiệm lớn nhỏ, người ta đang dùng bữa ăn trưa trong một tiệm ăn bên lề đường, nhìn ra hàng cây cọ có chuồng chim cao 20 bộ, nuôi đầy chim miền nhiệt đới…”

      1. Mấy cái khách đường hồi xưa so với bây giờ thật là không bằng đâu Bảo Vân. New Jersey nổi tiếng có những cái mall đặc biệt (mà Tám chưa bao giờ đặt chân đến), đến độ người ở nước ngoài như Canada đến là chỉ muốn đi mấy cái mall này, đặc biệt có những nơi bán thứ phẩm của những hàng hiệu loại sang thượng hạng với giá rẻ đặc biệt. Lạc vào trong mall này chỉ đi ngắm thôi cũng đủ mỏi chân và mờ mắt.

    1. Mình biết vụ này, vì mấy đứa con của mình đều là teenager nên rất mến Aaron Swartz là người đã viết code về RSS. Nghe tin cậu tự sát, mình và mấy đứa nhỏ thương quá cứ ứa nước mắt, đâm ra giận lây cả JSTOR.

  2. Đọc Tám là một cách hoài niệm dĩ vãng. Đã lâu lắm rồi, Tám nhắc tranh bìa Tuổi Ngọc làm HN nhớ Lê Vĩnh Ngọc, gần đây, Tám nhắc chuyện “xe hỏa” nhớ sở hỏa xa và bây giờ Tám lại nhắc từ “thương xá”, nhớ Thương xá Tax, thương xá Tam Đa, Saigon Departo, Crystal Palace, La Pagode. Ôi, ngày xưa!
    Tám sắp xếp các hình trong bài đẹp quá, việc mà HN thích nhưng…”nỏ” biết làm!

    1. Tám quên cái thương xá Tam Đa nhưng ông xã vẫn còn nhớ. Saigon Departo và Crystal Palace thì không biết, nhưng biết Pagoda. Còn cái quán cà phê tên Rex (không biết đúng không) Tám rất muốn vào nhưng thấy mấy cái cửa kiếng sang trọng quá nên sợ, sợ không đủ tiền trả tiền cà phê hay nước chanh.
      HN dùng blogspot Tám không quen nên cũng không biết chỉ. Nếu HN mở worpress thì Tám chỉ dễ dùng lắm.

  3. Chuyện thật là thú vị. Cãi được chuyện như thế này thì tiếng Anh thuộc loại siêu rồi, nên đủ tự tin để cãi. Mấy ông bảo vệ thấy người ngoại quốc chắc có phần nào bắt nạt, cứ đòi này đòi kia xem mình có rút lui không.
    Chị cũng nghĩ giá mà ở chỗ nào muốn ăn cây cà rem phải đi bộ nửa tiếng, cắp cái rổ đi chợ chỉ mua cái gì nhà mình không trồng được có lẽ đỡ được một số phiền toái của cuộc sống văn mình đầy sợ hãi này.

Leave a comment