Chuyện nhà ngỗng

Dùng ba tấm ảnh để kể một câu chuyện – montage.

Ảnh chụp ngày 10 tháng Ba năm 2024 ngỗng đã làm tổ nhưng chưa có trứng
Ảnh chụp ngày 24 tháng Ba năm 2024 ngỗng nằm ổ không biết từ lúc nào
Ảnh chụp ngày 21 tháng Tư năm 2024 ngỗng đã bỏ tổ chỉ còn một trứng không biết có còn ngỗng con hay không.

Từ lúc bắt đầu đi đoạn đường trail này vào khoảng năm 2020, tôi thấy có con ngỗng ấp trứng dưới gầm cầu. Trước kia cầu này là cầu quay, loại quay ngang do đó có cái trụ bearing ở giữa dòng kênh. Trên trụ có vòng bánh xe răng cưa (gear). Con ngỗng mái nằm ở trong vòng gear, đứng trên bờ nhìn thấy. Ngỗng trống canh chừng bảo vệ gia đình, có khi đứng trên bờ, có khi nằm dưới nước.

Cầu này giờ chỉ dành cho người đi bộ và đi xe đạp. Một chỗ rất được người lang thang yêu chuộng. Đây là nơi tụ họp của một vài người thích gặp nhau trò chuyện. Năm đầu tiên tôi thấy ngỗng ấp trứng ở đây có nhiều người qua lại bảo rằng nó đến hằng năm và đã nhiều năm. Trẻ con người lớn tò mò ngóng nhìn, từ trên cầu, dưới chân cầu. Có vẻ không mấy dễ dàng để leo xuống trụ cầu từ lan can cầu. Năm sau (2021) và năm sau nữa (2022) tôi thấy ngỗng vẫn ấp trứng ở đây. Năm ngoái 2023 ngỗng ấp có vẻ ngắn ngày hơn, bỏ lại ba trứng, không biết có phải tại vì người ta phải dùng phao nổi thu hút nhớt xe có người đổ bậy làm ô nhiễm dòng kênh. Đông người chộn rộn làm kinh động ngỗng nên nó bỏ đi.

Năm nay ngày 10 tháng Ba đi ngang thấy tổ còn trống. Ngày 24 tháng Ba thấy ngỗng đã nằm ấp trứng không biết bắt đầu từ bao giờ. Có ai đó treo sợi dây trên trụ cầu chẳng biết làm gì. Phải chăng để lấy trộm trứng? Đường trail này có một người, hay ít nhất là một người, hay thả bắp hạt khô trên đường trail cho thú vật ăn. Sóc, chim, nai, và ngỗng đều ăn bắp khô này. Có nhiều con ngỗng ăn quen, thấy chúng tôi đi ngang tưởng là người cho ăn bươn bả đến kêu đòi ăn. Có người tử tế nuôi thú vật (dù điều này người ta ngăn cấm) thì có lẽ cũng có người tìm cách lấy trứng ngỗng. Ngày 21 tháng Tư đi ngang thì tổ đã trống. Sợi dây cũng không còn treo. Có thể ngỗng mẹ đã ấp xong dẫn con đi rồi vì ngỗng chỉ cần ấp 28 ngày là trứng nở. Tôi muốn nghĩ như thế, vì nếu nghĩ có người nào đến lấy trứng phá tổ thì tôi sẽ buồn lắm.

Mưa

Khi không biết nói gì thì nói chuyện thời tiết. Hôm nay mưa. Tôi thường khi thích mưa. Mưa cho đầy mạch nước ngầm, nhà tôi dùng nước giếng, nên mưa có nước để dành cho mùa khô. Hồi chưa về hưu, người làm việc chung hay than phiền mưa phải đi bộ ra bến xe lửa bị ướt mà tôi thì cứ nói một chữ. Mưa? Tốt!

Việt Nam có nhiều bài hát về mưa. Hầu như bài nào cũng buồn. Không cần phải lục tung trí nhớ già cỗi của mình, tôi nhớ ngay câu hát. “Đời từ muôn thuở tiếng mưa có vui bao giờ.” Mưa tùy theo tâm trạng người nghe, không phải ai cũng buồn. Nhạc về mưa nghe vui rộn ràng, có lẽ chỉ có một bài của nhạc sĩ Văn Phụng. Toàn bài, đoạn nào cũng toàn là những câu hát vui tươi, những hình ảnh lạc quan, vậy mà ít ai nhớ ít người lập lại. Hình như người Việt Nam chỉ nhìn thấy cái buồn là đẹp, câu hát buồn thì hay.

Mưa rơi trên vai chàng
Mưa rơi ướt vai nàng
Mưa rơi khắp thôn làng
Mưa reo những cung đàn
Mưa như tiếng ru con dịu dàng.

Ở cuối bài có bài hát Mưa. Ai chưa biết bài này xin mời nghe.

Trịnh Công Sơn cũng có nhiều câu hát về mưa. Thí dụ như bài hát Mưa Hồng. Và bài Diễm Xưa tuy tựa đề không có chữ mưa nhưng toàn bài thì mưa tuôn. “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ.” Và “Chiều nay còn mưa sao em không lại.” Và “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng.”

Tôi không nhớ nhiều những câu thơ cổ. Nói chuyện mưa bất chợt nghĩ đến bài Vị Thành Khúc của Vương Duy. “Vị Thành triêu vũ ấp khinh trần.” Triêu có nghĩa là buổi mai. Triêu vũ có nghĩa là mưa buổi sớm mai. Nguyên câu thơ có nghĩa là ở Vị Thành mưa sớm mai (thường là mưa nhẹ tích tụ của những giọt sương) làm ướt lớp bụi mỏng. Mở đầu bài thơ là cơn mưa buổi sớm là biết đoạn thơ này chứa chất nỗi buồn. Vương Duy mời chén rượu tiễn một người đi Dương Quan. “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu. Tây xuất Dương Quan vô cố nhân.”

Bữa nào đó lâu rồi, tôi có tò mò về chữ Mông Vũ trong phim Captivating the King. Vũ là mưa, mông cũng là mưa, nhưng là mưa nhẹ mưa sương. Ông vua đánh cờ với một cô gái giả trai. Cô giấu tên và ông vua (lúc ấy chưa được làm vua) đặt cho cô gái tên Mông Vũ, hẹn lúc nào trời mưa thì sẽ gặp nhau đánh cờ. Phim kết cuộc có hậu, khá hấp dẫn. Chỉ có một điều rất vô lý là ông vua ngay cả khi ôm cô gái vào lòng vẫn không biết là gái giả trai.

Trong thi ca Việt Nam những câu thơ về mưa chắc không thể nào kể hết. Tuy vậy, tôi có gặp một vài bài nói về mưa, có mưa, nhưng không đến nỗi buồn muốn chết.

Suốt tháng Giêng, mưa xuân trắng ngõ
Những người gái thôn Dương Ổ
Đập sợi thâu đêm
Khi nắng lên se chỉ trắng ngoài thềm

Hoàng Cầm (Suốt Tháng Giêng – thơ Hoàng Cầm)

Nằm ngủ cầu Sương mưa mặc mưa
Chăn kéo làm lều mơ cứ mơ
Cầm trái đào thơm nơi thượng giới
Chẳng nhớ chiều qua cơm ăn chưa?

Doãn Tòng (Với Văn Cao Bảy Mươi Tuổi – trong tập thơ Văn Cao)

Đoạn thơ của Doãn Tòng lại có vẻ rất thiền, rất haiku.

Vườn sớm mưa thưa tạnh
Trúc đào hoa đọng hương
Đôi hoàng li rửa cánh
Từng giọt rụng kim cương

Giọt Trúc Đào (Quách Tấn – Thơ Tiền Chiến)

Đoạn thơ của Quách Tấn nghe rất giống thơ Đường. “Đôi hoàng li rửa cánh” làm tôi nhớ câu thơ “lưỡng cá hoàng ly minh thúy liễu” của Đỗ Phủ. Chữ li trong câu thơ Quách Tấn tôi chép lại theo cuốn thơ có lẽ là cách viết sau này. Chứ thời của tôi dùng chữ ly.

Trong làng xóm nóc nhà bay tốc mái
Gió xoáy vòng đẩy rạt lũy tre xanh
Những đàn bà chạy mưa về hớt hải
Váy phập phồng theo nhịp bước chân nhanh

Anh Thơ (Cơn Giông – Thơ Tiền Chiến)

Đoạn thơ của Anh Thơ gió lốc và chạy trốn mưa làm tôi nghĩ đến cơn mưa trong tranh của Hokusai.

Cơn giông
Mưa trên cầu
Mưa – Văn Phụng

Mùa hoa

Mùa này đi đâu cũng gặp hoa. Cỏ dại nở hoa trắng, tím, vàng, tràn lan trên mặt đất. Có một hôm nhiệt độ cao nhất trong ngày lên đến 80 độ F. nhưng sau đó thì xuống còn lại hơn 60 độ F. Hôm nay mưa, có thể đến 70 độ F.

Sóc ăn cây hoa phong

Đường vào nhà tôi, hàng xóm trồng nhiều hoa. Có ít nhất là bốn nhà trồng loại anh đào rũ (weeping cherry) đang nở rộ màu hồng khi sắp tàn biến thành màu trắng. Năm nay mộc lan không được đẹp, mới vừa ra hoa thì trời lạnh nhiều nên hoa cháy xém hết, giờ bắt đầu tàn hoa rụng đầy gốc cây. Còn loại anh đào cánh kép vẫn chưa nở có lẽ vì năm nay lạnh lâu.

Đường trong rừng hoa phong nở đầy. Loại này có màu vàng gần giống như xanh lá cây. Có một đôi sóc, một con ở nhánh trên, con kia ở nhánh dưới, cùng ăn lá non và hoa của cây phong. Ngạc nhiên chưa. Trước giờ tưởng là sóc chỉ ăn hạt.

Chim cốc đã quay về đậu đầy một góc sông. Thấy trên một gốc cây gần bờ có chín con chim cốc, và ngay bên cạnh trên những cây có bảy con đậu giống như những trái cây màu đen.

Ngay cửa vào đường trail trong công viên South Boundbrook người ta trồng ba cây anh đào (cherry blossom) rất thấp, nên hoa ngay tầm ống kính rất dễ chụp ảnh.

Động đất

Hôm qua 5 tháng Tư 2024, khoảng hơn 10 giờ sáng có động đất ở New Jersey. Buổi chiều khoảng 6 giờ tôi đang ăn tối thì động đất lần nữa, lần này thì nhẹ hơn. Buổi sáng động đất Richter scale 4.8, buổi chiều động đất được gọi là after shock có mức độ Richter 3.8.

Trận động đất này là mạnh nhất ở NJ từ trước đến nay đủ gây chú ý nên Wikipedia có một trang dành riêng cho nó. Tâm điểm động đất là, Lebanon, rất gần nhà tôi, dưới 30 phút lái xe.

Buổi sáng tôi nghe đất dưới chân mình chuyển động. Âm thanh giống như tiếng nổ lớn không biết ở đâu, làm tôi hoảng sợ, tưởng lò ga hay hệ thống sưởi dưới hầm nổ. Tôi chạy vụt ra ngoài. Thấy bà hàng xóm Robin cũng ngơ ngác sợ hãi. Hỏi, bà cũng chẳng biết. Chim rừng bay vụt lên đầu ngọn cây la hét ỏm tỏi như báo động hay sợ hãi. Ông nhà tôi ở trên gác thấy cây rừng cũng rung chuyển dữ dội nhưng không có cây nào ngã. Ngôi nhà tôi cũng rung chuyển dữ dội nghe răng rắc, có vài món đồ bị rơi nhưng không nhìn thấy thiệt hại (nếu có).

Thật là một mẻ sợ. Chừng nửa tiếng hay một giờ sau tiếng động và rung chuyển của đất thì thấy tin tức báo là động đất. Bây giờ nghiệm lại quá khứ, chỗ tôi ở có động đất nhỏ nhiều lần. Có khi ban đêm đang ngủ nghe giống như tiếng đại bác từ xa làm mặt đất rung chuyển, gợi nhớ thời chiến tranh ở Việt Nam. Ban ngày cũng có. Lúc ấy không biết, tôi đoán là người ta làm nổ để lấy đá, vì New Jersey cũng có nhiều mỏ đá đang được khai thác. Bây giờ thì cũng đoán mò vậy thôi chứ không biết chính xác.

Anyway, động đất khiến hôm qua là một ngày khác với ngày bình thường.

Chẳng biết hoa gì. Đoán là cây cherry mọc hoang.

Ở đây có một loại cây gọi là cherry, không phải cherry blossom loại được gọi là anh đào Nhật Bản. Loại này trái của nó màu đỏ, khi chín thì màu tím sậm, chua nhiều hơn ngọt, giống như trái cherry người ta bán ở chợ nhưng vì mọc hoang nên trái của nó rất nhỏ. Loại hoa này chim cũng thích ăn, tôi bắt gặp nhiều lần chim robin ăn nó. Cây mọc hoang, nhỏ, cao chừng hai chục hay ba chục feet. Nhìn xa thấy trắng xóa, có khi mọc thành hàng rất đẹp. Nhìn gần thì đường nét loạn xạ, rối răm, màu trắng lại bị nền trời sáng phía sau, tôi chụp ảnh không được đẹp.

April showers

Mưa. Từ chiều Chủ Nhật 31 tháng Ba. Thứ Hai mưa, thứ Ba mưa, thứ Tư mưa to hơn gió lung lay cả cửa trước, cái kiểu mưa dập gió vùi. Sáng nay ngớt mưa. Tôi không có tấm ảnh nào về mưa. Lẽ đơn giản là mưa thì ở trong nhà, sợ ướt người và ướt máy ảnh. Thỉnh thoảng chụp vớt vát vài giọt nước mưa đọng trên cành cây hoặc trên lá trên hoa.

Đường đi bộ chắc là ngập tràn trề. Người ta báo lũ lụt, nước sông dâng lên 9.9 ft coi như là 10 ft. Tính nhẩm cứ 3 feet là 1 mét. Vậy là nước sông dâng cao 3.75 mét. Những lần nước sông dâng cao thì chảy xiết. Nhà nào ở gần sông bị lũ lụt thật là khổ.

Nhưng mà người Mỹ có câu April showers, May flowers. Mưa tháng Tư để tháng Năm hoa nở. Thỉnh thoảng có một ngày ấm đến 60 độ F. là thấy cây nẩy lộc. Trên đường trail, dọc bờ sông, nhìn xa về hướng rừng, những cây lê rừng, táo dại nở hoa trắng xóa. Có một cây nhìn giống hoa đào trắng nhưng tôi chịu thua không tìm biết hay cố nhớ tên cây cối hay hoa cỏ hay chim muông gì nữa.

Đường trail đã thấy rất nhiều bụi hoa lúc còn nụ thì tím, nở ra thì tím gần như xanh blue, gần tàn chuyển sang hồng, rồi trắng. Hoa Virginia bluebell(s). Tuy là hoa dại nhưng những công viên lớn họ cũng trồng loại hoa này, vì là hoa địa phương, thuận thời tiết thủy thổ cây dễ sống mọc mạnh không cần chăm sóc nhiều.

Virginia bluebells

Chất thơ của mùa xuân

Tác giả: Nguyễn Thị Hải Hà

Mùa xuân là mùa của thi ca.  Biết bao nhiêu thơ văn và âm nhạc đã viết về mùa xuân.  Mùa xuân đẹp.  Thi nhân dùng mùa xuân để diễn tả nét đẹp và dùng màu lá làm biểu tượng nét trẻ trung của người thiếu nữ.  Bỗng mùa xuân về trên năm ngón. Ôi bàn tay lộc biếc lá non (Diệu Kỳ – Nguyên Sa).  Từ những ngón tay thuôn nhà thơ nhìn thấy cành non lộc biếc. 

Ở Việt Nam, Tết rơi vào mùa xuân.

The New Year’s Day
The beginning of the harmony
of Heaven and Earth.  (Shiki)

Ngày đầu tiên trong năm
Bắt đầu sự kết hợp hài hòa
Của Trời và Đất.

Ngày đầu năm, không chỉ là sự giao hòa giữa âm dương mà còn là sự tiếp nối giữa quá khứ và tương lai.  Nhà thơ Onitsura nói rằng buổi sáng ngày đầu năm, ngọn gió từ thiên cổ, thổi trên đầu ngọn thông.

Mùa xuân ở Hoa Kỳ chính thức bắt đầu thường vào gần cuối tháng Ba, tùy theo ngày spring equinox.  Trên thực tế mùa xuân có khi sớm hơn hay chậm hơn một vài tuần.  Nếu không có lịch, làm sao người ta biết xuân về?   

Người ta nhìn thấy mùa xuân trong màu hồng hoa đào (Nhân diện đào hoa tương ánh hồng – Thôi Hiệu), màu trắng hoa lê (Cành lê trắng điểm một vài bông hoa – Kiều) và màu xanh của cỏ (Xuân du phương thảo địa – Uông Thù)

Với tôi, chất thơ của mùa xuân nằm ở tiếng xuân. 

Dọc đường trail Delaware&Raritan gần Colonial Park (New Jersey) có một đầm lầy.  Mùa đông tuyết rơi nhiều đọng lại, đóng thành băng.  Khi trời chớm xuân, chỉ cần vài ngày lên đến 40 độ F. ( 4 độ C.) mặt băng vỡ răng rắc, sau đó biến thành hồ nước.  Và bản nhạc mùa xuân bắt đầu.  Lần đầu tiên, nghe âm thanh này tôi rất ngạc nhiên.  Nó không phải tiếng chim, tiếng côn trùng.  Âm thanh như một giàn đồng ca, rất đều nhau, từ dưới nước, trong những bụi cỏ nâu sẫm.  Tôi nhìn không thấy con vật nào, chỉ nghe tiếng “om om”, hay “âm âm”, như tiếng kèn râm ran đều đều, rất to.  Đi khỏi đầm lầy thì âm thanh nhỏ lại, đến gần âm thanh to lên.  Chừng hơn một tuần sau, thì âm thanh ấy biến mất.  Đó là tiếng kêu của loài tree frogs, những con nhái màu xanh rất nhỏ.  Đến mùa băng tan, trời ấm, cộng đồng nhái xanh bắt đầu bản nhạc mùa xuân được đồng ca bằng giọng của hằng ngàn con nhái và ếch. 

In spring, frogs sing;
In summer,
They bark.  (Onitsura)

Mùa xuân, ếch nhái hát
Mùa hè
Chúng sủa.

Bên cạnh tiếng gọi tình của loại nhái xanh trong đầm lầy có rất nhiều tiếng chim.

Từ giữa tháng Hai, những con ó bạc đầu đã bắt đầu ấp trứng.  Cuối tháng Hai, loài ngỗng Canada, những con đi trốn tuyết miền xa bây giờ trở về; trên không trung đã nghe tiếng quang quác của đàn ngỗng bay theo đội hình chữ V.  Những con ngỗng ở lại New Jersey suốt mùa đông, giờ bay dọc theo dòng sông rượt đuổi nhau để tỏ tình, hay bay lên mái nhà những khu chung cư, đánh nhau chí chóe để tranh giành bạn đời. 

Mùa xuân, hằng ngàn chim starlings bay về chốn cũ.  Tiếng vỗ cánh của loài chim lông đen óng ánh ngũ sắc này nghe như tiếng bão, tiếng rào rạt của cơn mưa không ướt đất.  Hằng loạt chim đáp xuống ruộng bắp khô màu nâu vàng, lấm tấm như hạt mè đen rắc trên xôi. Chúng tràn ngập bờ sông, bờ suối để uống nước.  Starlings, cất cánh bay và đáp xuống hằng loạt, uốn lượn như một tấm lưới đen được trải ra bởi một bàn tay vô hình nào đó.  

Nhắc đến starlings tôi không khỏi nghĩ đến chim quạ vì cả hai loại này đều có lông màu đen ánh ngũ sắc tùy theo hướng ánh sáng.  Người Việt không thích chim quạ.  Loại chim này thường bị gắn liền với điềm xấu vì chữ quạ đồng âm với chữ họa trong tai họa theo cách phát âm của người miền Nam.  Basho có bài haiku nổi tiếng về quạ mùa thu đậu trên cành cây khô khiến làm người ta liên tưởng đến sự cô đơn buồn bã.  Tiếng quạ mùa xuân tôi nghĩ đến lời thì thầm của mùa xuân.  Quạ có hai loại chính, raven to hơn, sống một mình, crow nhỏ hơn thường đi từng đàn.  Đầu xuân, cây chưa ra lá.  Quạ đậu thành đàn trên những ngọn cây khô, gọi tình.  Không inh ỏi chát chúa như loại blue jays, tiếng quạ nghe rủ rỉ rù rì, như những lời thì thầm tự tình của những người đang yêu.  Nhớ người Việt mình có câu ca dao:

Quạ kêu nam đáo nữ phòng. 
Người dưng khác họ đêm lòng nhớ thương.
 

Có lẽ người con trai trong bài ca dao cũng có những lời dịu dàng như tiếng quạ thì thầm.

Trong chất thơ của mùa xuân có tiếng mưa xuân.  Người Mỹ có câu April shower, May flowers.  Mưa tháng Tư để tháng Năm có nhiều hoa đẹp. 

Spring rain:
Everything just grows
More beautiful (Chiyo-ni)

Mưa xuân
Hoa cỏ nở rộ
Đẹp bội phần

Mưa hạ ào ạt bão giông.  Mưa xuân lắc rắc hiền hòa.  Mưa xuân được đón chào vì nó không rét buốt cắt da như mưa tuyết.  Hạt mưa lất phất như bụi, mềm mại chạm vào da, vỗ về trên má.  Mưa xuân có mùi tinh khiết, mang theo mùi cỏ ướt, mùi hoa tím tử đằng và diên vỹ.  Ta có thể nghe tiếng mưa xuân nhỏ tí tách ở hiên nhà, thì thầm trên những đồng cỏ vàng nâu.  Mở lòng bàn tay để hứng những giọt mưa mềm, nếm từng giọt mưa để thấy vị ngọt mát ngấm trên môi. Mưa xuân mang cảm giác lãng mạn trữ tình thường biểu hiện trong phim Nam Hàn.  Đôi trai gái đang đi phố, trời bỗng đổ cơn mưa.  Chàng chạy vội băng qua bên kia đường vào tiệm tạp hóa mua cây dù.  Chàng chọn hai cây dù màu đẹp, nhưng đổi ý chỉ mua một cây dù thôi.  Rồi chàng che dù cho cả hai, hai mái đầu chụm vào nhau, tay anh quàng vai em, bước nhẹ nhàng cây dù xoay tròn theo điệu luân vũ mùa mưa.  Hai người bước vào trong một quán sách.  Cây dù xếp lại để ngoài cửa.

Spring rain;
Holding up their umbrellas, and looking
At the picture-books in the shop.
Shiki

Mưa xuân
Đôi tình nhân che dù và đọc
Truyện tranh của quán sách
.

Mưa xuân đủ để đôi tình nhân nép vào nhau tìm hơi ấm.  Mưa xuân đẹp, tình tứ và lãng mạn nhưng không gợi dục như mưa mùa hạ.  Người ta không ao ước “em đi về cầu mưa ướt áo” để nhìn thấy màu da thịt và đường cong nét lượn phơi bày theo mưa. 

In the spring rain,
Miss Tsuna holding her sleeve
Over the small lantern
Buson

Trong cơn mưa xuân
Cô Tsuna dùng tay áo
Che cái đèn lồng.

Bài haiku của Buson cũng làm tôi nhớ lại một đoạn phim Hàn.  Hai cô cậu ở độ tuổi hoa tuổi ngốc đang đi với nhau trời bỗng đổ cơn mưa.  Cậu bé không có gì để che nên dùng hai bàn tay che lên trán của cô bé.  Dù gì thì cũng ướt, nhưng mưa xuân sẽ không làm ướt mắt em.  

Mưa xuân đầy chất thơ.  Basho, người nổi danh hàng đầu trong giới haiku Nhật Bản đã viết

Spring rain;
How pitiful,
One who cannot write (Buson)

Mưa xuân
Đáng thương thay
Những kẻ không biết làm thơ.

Ông Basho tự chế nhạo hay là chế nhạo những kẻ hậu bối (trong đó có tôi) suốt đời không viết được một bài thơ, dầu được nhìn thấy cái đẹp của mùa xuân.

Những bài haiku tiếng Anh trích từ quyển Haiku II: Spring do R. H. Blyth biên soạn.  Nguyễn Thị Hải Hà dịch ra tiếng Việt.

Những đóa mộc lan còn e ấp

Phim Hàn nhắc đến người Việt

Thỉnh thoảng thấy phim Hàn nhắc đến người Việt. Tập 10 của bộ phim truyền hình “Chocolate” nói về người chồng Hàn có vợ Việt. Anh chồng Hàn phải vào hospice (nơi chăm sóc người bị bệnh nan y lúc cuối đời), nhân kỷ niệm ngày cưới đã nhờ cô nấu ăn của cafeteria làm món bún chả ở chợ đêm thành phố Sài Gòn. Anh bảo rằng vợ anh thích món này mà vì lấy chồng xa xứ nên không được ăn thường xuyên. Cô nấu bếp bưng ra món bún chả có, bún xà lách, nước mắm, vài ba món. Phim lướt qua nhanh nên tôi cũng không kịp nhìn cho kỹ có giống bún chả Việt hay không. Tò mò và xéo xắt nên nghĩ thế, chứ giống hay không cũng chẳng quan trọng. Điều thú vị là món ăn Việt Nam lại được lên truyền hình Hàn.

Anh chồng và người vợ chảy nước mắt khi anh chồng nói rằng kiếp sau xin hẹn cùng sinh ra cùng một quốc gia, hoặc là Hàn hoặc là Việt để tránh nỗi buồn xa xứ, và không vất vả với nhau vì khác văn hóa. Cái mơ ước này tôi gặp một đôi lần trong phim Hàn khi người hôn phối của nhân vật Hàn là người ngoại quốc, Nhật Bản là thí dụ.

Cũng nhiều lần tôi gặp thức ăn Việt trong phim Hàn, nhất là phở. Không nhớ tên bộ phim, nếu tôi không lầm thì trong bộ phim Hàn Would You Like a Cup of Coffee có phở. Một lần nào đó tôi có gặp một đoạn phim hình như bào chữa cho nhân vật Hàn đã ngược đãi bạo động với cô vợ Việt.

Xem phim Hàn thấy các anh diễn viên Hàn quốc đối xử rất lịch sự với mỹ nhân, đâm ra thất vọng khi nhớ trước đây cứ đọc tin trên báo chí thấy mấy anh chồng Hàn giết vợ Việt.

Ối, phim mà! Phải như vậy thì mới có người xem.

Magnolia trong sân nhà thờ Pillar.

Ngày bình thường thôi

Thật chẳng có gì để viết. Ngày của tôi chỉ là một ngày bình thường. Tuy vậy một ngày bình thường của người này cũng khác với của người kia. Phải không?

Đi bộ tôi vẫn ngó sang bên kia sông Raritan nơi có tổ ó bạc đầu. Thỉnh thoảng cũng vào trang mạng của Duke Farms xem video một cặp ó bạc đầu khác đang nuôi con. Năm nay cũng có hai chú ó bạc đầu con nít. Báo New York Times tuần trước có đăng một bài về con ó bạc đầu trống dành ấp trứng với con mái, nằm lì không chịu tránh chỗ dù bị ó mái cắn đuôi và đẩy ra ngoài. Ó bạc đầu trống chỉ có cái không sinh được chứ nuôi con thì đầy đủ bổn phận chẳng khác gì ó mái. Thấy tổ ó ở Duke Farms có hai ba con cá được mang về để cho con ăn.

Trời ấm dần. Hôm qua nhiệt độ lên đến hơn 70 độ F. Nắng nhiều. Hôm nay cao nhất sẽ là 68 độ F. trời mưa. Đường trail hôm qua, bụi thủy tiên đã nở hết mức. Nay mai là hoa sẽ tàn.

Daffodil – thủy tiên

Dọc đường có loại cỏ dại hoa màu vàng lá bóng loáng thoạt nhìn tưởng bằng plastic. Không chắc chắn lắm, có thể đây là loại hoa bloodroots, tại vì rễ của nó màu cam đỏ.

Hoa cỏ dại – bloodroot

Đang đi bộ thì bất chợt có ba con gà tây (hay gà lôi) từ bụi rậm chạy vụt ra trên đường trail. Và chúng nó nghing ngang chạy mãi một đoạn đường rất xa. Cuối cùng cả ba con cất cánh bay vụt qua bờ kênh bên kia hướng về đường xe chạy. Tôi cũng e ngại bọn chúng bị xe tông phải nhưng chắc không sao vì khi tôi đến cây cầu bắc ngang đường xe chạy với nhà thờ Pillar thì bọn gà tây đã biến mất. Ba đứa đi làm tôi tưởng tượng đến những khúc phim, thí dụ như the Magnificent Seven, hoặc những phim có nhiều người hùng trên đường ra trận, hoặc sau khi chiến thắng trở về. Phim quay họ đi nhịp nhàng, chậm rãi như bay lả lướt. Ba con gà tây chạy như bay. Ba người hùng của tôi đó.

Gà tây hay gà lôi.
Hoa của cây phong đỏ

Không có gì hay ho, đặc biệt. Chỉ hưởng thụ không khí ấm áp của trời bắt đầu vào xuân. No news is good news.

Bài hát #30

Mùa xuân mà mọi người đang mong đợi vẫn còn đâu đó phía xa xa. Trời ấm dần, mưa suốt hôm qua, sáng nay vẫn còn mưa nhẹ.

Mời các bạn nghe bản đàn có tựa đề Flowers in the Moonlight in Spring. Tác giả và người đàn là Cui Junzhi/Pan Jing trích trong Music from the Far East.

Hoa cỏ dại mọc ven đường
Crocus mọc hoang bên đường trail
Hoa cây phong nhìn từ phía dưới.

Spring rain:
everything just grows
more beautiful.
Chiyo-ni

Mưa xuân:
cỏ cây mọc
đẹp bội phần

Nhật ký đọc 17

Mượn được ở thư viện địa phương quyển The Poetry Book – Big Ideas Simply Explained của nhà xuất bản DK Penguin Random House. Quyển sách do nhiều người đóng góp. Tôi không đọc hết quyển này, chỉ đọc một vài chương. Ghi lại đây để mai mốt có muốn đọc lại thì vẫn còn giữ được tên sách, và đến thư viện mượn lại.

Tôi chú ý đến thơ haiku của Nhật, đầu tiên. Ở trong phần Revival and Rebirth 1450-1700. Trang 110 tựa đề Plop! – water “The Old Pond.” Đến đây, hầu như ai cũng biết tựa đề này nói về haiku của Basho, bài thơ con ếch nhảy vào trong nước được viết năm 1686. Bài viết gợi người đọc chú ý đến thơ của William Carlos Williams và của Ezra Pound cụ thể là hai bài “The Sparrow” trang 216-217 và Canto LXXXI 232-235.

Trước khi thể thơ haiku được phổ biến người Nhật có tác phẩm The Man’yoshu (Ten Thousand Leaves) viết vào khoảng 759. Thư viện địa phương của tôi cũng có quyển này.

Ba nhà thơ quan trọng trong thể thơ haiku Nhật Bản là Matsuo Basho, Yosa Buson, và Kobayashi Issa. Ông Issa viết hơn 21 ngàn bài haiku. Thơ của ông cho người đọc cái nhìn gần gũi cuộc sống của người và vật bằng ngôn ngữ đời thường. Thí dụ như:

Don’t squash it!
The fly rubbing its hands,
rubbing its legs.

Đừng đập nó tan nát
Con ruồi đang xoa tay
Và xoa chân của nó.
Issa

Dưới đây là một câu trích dẫn từ Basho. Tôi để nguyên câu nha, vì không muốn dịch.

Your poetry issues of its own accord when you and the object have become one. Matsuo Basho – The Narrow Road to the Deep North.

Cuốn này chắc chắn là tôi nên đọc lại. Không cần mua nhiều quyển thơ mà không đọc. Người không chuyên về thơ như tôi chỉ cần có cuốn này để thỉnh thoảng đọc lại là có thể hiểu biết một cách tổng quát, sơ khởi, nhưng khá rộng rãi về thơ và một số nhà thơ trên thế giới.

Nắng xuân

Rùa nằm phơi nắng

Hôm qua mưa suốt ngày. Hôm nay sẽ mưa lúc 12 giờ trưa. Ngày mai mưa. Coi như tôi sẽ ở trong nhà liên tiếp mấy ngày. Đúng như thơ xưa có câu. “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách.” Mưa không có xiềng xích nhưng giữ chân người.

Chưa hẳn là mùa xuân, nhưng có những ngày ấm, nắng suốt ngày. Rùa lên mặt nước, nằm trên những khúc cây gãy trôi trên mặt kênh, phơi nắng. Rùa cần có nắng để thêm năng lượng. Ở đây lúc sau này trời không lạnh nhiều lạnh lâu nhưng vẫn khá lạnh cho những loài sống dưới nước. Rùa có thể chịu được lạnh 35 độ F. nhưng phải lặn sâu dưới nước, dưới bùn hay ở trong hang. Khi phơi nắng, rùa nằm duỗi chân duỗi cả đuôi ra để có thể sưởi ấm khắp người. Nhìn con rùa trong ảnh, tôi thầm so sánh với những người mùa đông sang những nước ấm, phơi nắng trên bãi biển, như Cancun chẳng hạn. Có lẽ sự hài lòng và sung sướng của người và của rùa chẳng khác gì nhau. Sự khác biệt có lẽ với rùa đó là sự cần thiết để sống, còn với người chỉ là những lúc thư giãn của cuộc sống đầy đủ.

Trên đồng cỏ

Một con vạc xám đang đi trên đồng cỏ khô. Mưa nhiều, sông chảy xiết, nước đục, là lúc khó kiếm ăn cho các loài chim vạc và ó bạc đầu. Con vạc xám này có lẽ chưa đủ lớn. Loài vạc vốn đã gầy, con này còn gầy hơn. Nó đi trên đồng cỏ nghe tiếng những người đi bộ trên đường trail ồn ào liền tìm chỗ tối khuất để nấp. Những người ồn ào này là một đám 8 người South Asian. Có vẻ như những người này không đi bộ đường trail thường xuyên. Họ đi chậm nói cười ồn ào, không có vẻ quan tâm đến chim chóc thú vật trên đường.

Hoa white maple

Nở hoa sớm nhất, là loại cây phong đỏ. Tấm ảnh hoa phong đỏ tôi chụp không rõ nên thay bằng hoa phong trắng.

Như rùa, người ở vùng lạnh cũng mong chờ nắng ấm. Một ngày nắng ấm luôn cho tôi cảm giác khỏe khoắn hơn.

Dấu hiệu của mùa xuân

Ngày 1 tháng Ba, nhiệt độ lên đến 60 độ F. Trên đường đi bộ về tôi thấy rùa lên mấy khúc cây nổi trong dòng kênh phơi nắng. Hôm qua ngày 3 tháng Ba, rùa lên phơi nắng nhiều hơn, cả chục con chen chúc trên một thân cây. Nhiệt độ không khí, lúc tôi đang ngồi trong xe, thấy 64 độ F. Hôm nay cao nhất sẽ chỉ 60 độ F. trời nhiều mây. Mấy ngày sắp tới ngày nào cũng mưa.

Có một hôm đi bộ thấy ở thật xa có một con chim đậu trên ngọn cây. Xa lắm, nhưng nhìn hình dáng của nó tôi đoán đó là con red-tail hawk, diều hâu đuôi đỏ. Nhìn qua ống kính 300 mm cũng không biết chắc nó thuộc loại chim gì, nhưng một chút nắng lóe trên thân nó có màu hơi đỏ. Còn đang ngắm nghía thì từ xa bay đến một con chim khác, đáp lên thân con chim đang đậu. Chỉ trong vòng vài giây, con chim thứ hai bay đi.

Dọc đường trail, ngỗng đứng thành cặp khá đông. Nhìn qua bên kia bờ sông cũng thấy ngỗng đứng thành cặp. Dưới cái underpass cầu xa lộ 287 có một cặp ngỗng, có vẻ đang tìm chỗ làm tổ. Năm nào tôi cũng thấy con ngỗng đực đứng canh nhưng không thấy ổ trứng và ngỗng cái. Không biết nó có làm ổ trên những cái bearing sát bên dưới cầu hay không. Thỉnh thoảng thấy có ngỗng đậu trên đó, thường thì chỉ thấy chim bồ câu.

Quạ đậu rất nhiều trên ngọn cây, nói những lời thì thầm rủ rỉ rù rì. Chỉ cần nghe âm thanh cũng có thể đoán được những lời tình tự của mùa xuân.

Red-tail hawk
Ó bạc đầu trên cây sycamore

Ở đây, New Jersey, có một loại cây tên là sycamore. Vỏ cây thường tróc ra những mảnh nhỏ để lại dấu lốm đốm trên thân cây những màu xanh lá cây nhạt, xám, và trắng giống như một bức tranh. Dần dần những chỗ có màu cũng phai đi khiến cả thân cây màu trắng. Mùa đông, sau cơn tuyết, trời nắng sycamore trắng sáng rực trên nền trời xanh. Cây này, thân cây rất to, tỏa ra nhiều nhánh khiến cây có vẻ khổng lồ. Một trong những loại cây ó bạc đầu thích đặt tổ ở những chạc ba. Coi vậy nhưng loại này cũng thuộc loại giòn, dễ bị tách đôi ở nách cây khiến cả nhánh rơi xuống, ẩn chứa mối nguy hiểm cho gia đình ó bạc đầu. Tôi luôn tưởng tượng cái cây trắng tinh ở trong phim Lord of the Rings là cây sycamore dù cây trong phim không to bằng cây trong rừng ở đây.

Chân ong dính phấn hoa

Kỷ niệm ăn phở khó quên

Tôi muốn kể chuyện này lâu rồi nhưng ngại bị hiểu lầm là mình nói xấu người ta. Nếu tôi là người viết phê bình hay chấm điểm về thức ăn và nhà hàng tôi có thể làm người ta mất điểm, mất khách hàng, thậm chí mất việc. May quá, tôi không nổi tiếng đủ để có thể gây ra ảnh hưởng xấu. Tôi muốn kể lại vì đây là một kỷ niệm riêng, khó quên. Tôi sẽ dấu tên tiệm phở, ngay cả tiệm ở chỗ nào tôi cũng sẽ không nói ra. Điều này có vẻ như không công bằng với các tiệm phở khác, bởi vì một số rất ít người đọc có thể nghĩ rằng tôi làm cho tiệm phở nào cũng bị nghi ngờ. Xin lỗi trước.

Tôi đến nhận chỗ trọ thì trời đã tối. Thôi thì đi ăn. Phở là món tôi nghĩ đến trước tiên, và tiệm phở đầu tiên tôi gặp chỉ cách chỗ nhà trọ một quãng đường rất ngắn. Phở ở đâu tôi cũng thấy ngon. Phở Bắc không giá không rau quế nước phở đậm. Phở Nam có giá sống, rau quế, ngò gai, tương đen tương đỏ, nước phở có vị ngọt thanh (có thể từ đường phèn hay củ hành). Ngon tất. Có lẽ vì tôi rất dễ tánh. Và đang đói. Tiệm phở tôi vào có vẻ như là một trong cái chuỗi (chain) nhà hàng bán phở. Chỉ có hai ba cái bàn. Cái bàn tốt nhất, dựa sát tường, có hai người ngoại quốc da trắng đang ngồi chờ thức ăn sắp sửa được mang ra. Chỗ hai chúng tôi ngồi rất gần nồi nước lèo, có anh đầu bếp cao lớn đứng đó. Còn một anh nữa đứng gần đâu đó bên ngoài, len lỏi giữa mấy cái bàn để mang thức ăn cho khách. Cả hai đều mặc đồng phục. Quán ở kề sát mặt đường, bước ra một bước là đụng vào du khách đi tấp nập, cũng có vẻ sạch sẽ. Bên cạnh chỗ tôi ngồi, khi có thêm khách tiệm có thể nhồi nhét thêm một hai người nữa. Sau đó là khách phải ngồi bàn kê ngoài đường. Quán có bàn cao và ghế ngồi chứ không phải là ghế đẩu và dùng cái ghế đẩu to hơn làm bàn. Quán này thuộc loại có danh tiếng về phở ở thành phố lớn chứ không phải quán cóc liêu xiêu dọc đường gió bụi.

Hai người khách tây có vẻ biết rành món ăn, vì họ cầm đũa rất điệu nghệ. Bàn của họ có đĩa rau mùi và vài cọng hành lá. Tôi không ưa hành, hành củ hành lá gì cũng không ưa. Tôi thà ăn phở với thịt chứ không ăn rau làm bằng hành. Trên bàn hình như có tỏi và muối hay bột ngọt gì đó. Tô phở của tôi có thịt tái và chín. Tôi chỉ muốn bấy nhiêu thôi. Anh phụ bếp đứng bên ngoài nói sang cửa hàng bên cạnh mang thêm hai phần quẩy,

Tôi ăn vài đũa, bình thường, ngon miệng. Bỗng nhiên, xộc vào mũi tôi, trong mấy cọng phở trong tô, mùi gián. Tôi không biết phản ứng như thế nào, muốn nhả ra nhưng lại ngại không biết nhả vào đâu. Tôi ngần ngừ một phần mười giây xong nuốt luôn. Tiếp tục ăn thêm vài đũa nữa, bất chợt lại cảm thấy mùi gián, có lẽ trong bánh phở. Tôi ngần ngừ thêm vài phần mười của một giây. Lại nuốt đi. Tô phở phần còn lại từ đó không bị có mùi gián nữa. Ăn xong, trả tiền đi ra. Anh phụ bếp chỉ tính tiền một phần quẩy nên tôi nhắc với ông chồng tôi bánh quẩy đến hai phần.

Tôi nói với ông chồng về mùi gián trong bánh phở tôi cảm nhận hai lần. Ông bảo tô của ông không bị gì hết. Về sau nói chuyện với những người trong gia đình cũng đến ăn ở tiệm phở gần chỗ trọ nhưng chẳng ai bị như tôi. Coi như chỉ có tôi xui nên tô phở mất ngon trở thành một kỷ niệm cá nhân khó quên.

Chép lại một bài hát trong phim

Netflix gần đây cho chiếu lại The Ballad of Buster Scruggs. Phim này tôi mượn ở thư viện, xem xong đem trả. Sau đó ít lâu, muốn xem lại thì thư viện không còn lưu giữ phim này nữa. Lúc đó Netflix đang chiếu phim này, tôi lại chọn phim khác nói sẽ trở lại. Nhưng khi tôi tìm thì Netflix cũng gỡ phim này xuống. Mãi đến gần đây, thấy Netflix chiếu lại. Tôi chỉ xem tập phim ngắn cuối cùng. The Mortal Remains. Đây là bộ phim gồm nhiều tập phim ngắn của hai anh em nhà Coens.

Cả bộ phim có điểm chung là cái chết. Chết cách này hay cách khác. Phim với chủ đề u ám và để bớt phần nào u ám, đạo diễn cho thêm chất hài hước (humor). The mortal remains tạm dịch là xác phàm. Chờ xem có ai dịch mấy chữ này thì tôi sẽ đổi lại. Phim nói về một nhóm người đi đến Fort Morgan (đồn Morgan) trong đó có hai người mang hành lý là một thi hài để trên mui xe ngựa, một người đàn bà có tuổi đi gặp chồng, một người đàn ông chuyên làm nghề bẫy thú lấy lông, và người đàn ông tên René, người Pháp. Phim không có cốt chuyện rõ rệt. Năm người trong khoảng không gian chật hẹp. Họ nói chuyện với nhau những chuyện không đầu đuôi. Họ không muốn và cũng không thể thố lộ nhiều về thân thế của họ. Chuyến xe ngựa chở họ đi từ lúc trời còn nắng đến nơi thì đã khuya. Đồn Morgan nhìn rất là mờ ám, ma quái. Hai người mang xác chết dường như là tử thần đi thu góp linh hồn. Bà Betjeman, người phụ nữ duy nhất trong chuyến đi, có vẻ như đi tìm người chồng đã chết hoặc không còn yêu bà nữa.

Ngay ở đầu tập phim đã có một bài hát nghe giống như một bài dân ca. Bài hát nói về một cô gái tên Molly trên đường đi đến London rồi đến Isle of Man, nhưng cô biến mất không ai tìm được tung tích. Bài hát thứ nhì có nhạc điệu rất buồn bã nhưng nội dung lại rất khôi hài, nói về một chàng thanh niên bị một cô gái giết chết mà cô ấy là người anh ta yêu. Tôi không thể truyền đạt được cái buồn nhưng nghe lại tức cười này nên chép nguyên bài lên đây.

As I was a walking. Down by the loeh. As I was a walking one morning of late. Who should I spy but my own dear comrade. Wrapped up in flannel. So hard is his fate. I boldly stepped up to. And kindly did ask him. Why are you wrapped in flannel so white. My body is injured. And sadly disordered. All by a young woman. My own’s heart delight. Oh, had she but told me. When she disordered me. Had she told me of it at the time. I might have got salts or pills of white mercury. But now I’m cut down, in the height of my prime. Get six plenty maidens. To carry my coffin. And six pretty maidens. To bear up my pall. And give to each of them. Bunches of roses. That they may not smell me as they go along.

Tạm dịch như sau:

Khi tôi còn sống, ngang một chỗ trống, một buổi sáng mặt trời đã lên cao, tôi biết nhìn ai đây nếu không phải là những người bạn quen thân. Thấy một anh bạn quấn người toàn bằng nỉ. Hỏi anh rằng tại sao quấn người bằng vải liệm màu trắng. Anh bảo rằng anh bị thương tích. Thân thể tôi không còn nguyên vẹn vì tay một cô gái trẻ mà tôi rất yêu mến. Giá mà cô ta cho tôi biết trước sẽ làm tôi bị tổn thương thì có lẽ tôi sẽ dùng muối hay bột thủy ngân. Nhưng bây giờ tôi đã bị giết chết lúc tuổi đang độ thanh xuân. Hãy chọn sáu nàng trinh nữ để khiêng quan tài cho tôi. Tặng cho mỗi cô một bó hoa hồng để các cô không ngửi thấy mùi của tôi lúc các cô khiêng cái xác của tôi.

Chuyện nho nhỏ dọc đường Hà Nội

Tôi muốn viết một cái gì đó để giữ kỷ niệm chuyến đi cái kiểu du hành ký sự (dùng tiếng Hán Việt cho trang trọng), nhưng tôi không có câu chuyện nào nổi bật. Chỉ có một vài chuyện nho nhỏ, kiểu chuyện đi chơi, như nhặt một vài viên sỏi màu bỏ vào túi.

Ở Hà Nội vì lên chương trình không chu đáo, chúng tôi có một vài buổi dư thì giờ mà không biết đi đâu làm gì. Thật ra, tôi muốn đi xem con đường gốm sứ dọc sông Hồng, nhưng trời nóng quá. Hà Nội tháng 10 đã vào thu, nhưng với tôi do tuổi già nên nắng không ưa mưa không chịu, cảm thấy mệt mỏi, lười biếng, thậm chí khó thở. Ngồi dưới bóng cây ở công viên bờ hồ một hồi, di chuyển chỗ ngồi vài lần để tránh nắng, cuối cùng chúng tôi quyết định lên xe buýt đi ra bến xe Mỹ Đình. Đi cho biết, và hy vọng trên xe có máy lạnh.

Tối hôm đó chúng tôi phải ra nhà ga tàu hỏa để đi Sapa lúc 7 giờ tối, do đó không thể về trễ. Đến bến xe Mỹ Đình lóng nhóng một hồi chẳng làm gì chỉ chụp mỗi tấm ảnh hoa sữa ở cuối bến, rồi đón xe đi về. Xe buýt từ Hà Nội đến bến xe Mỹ Đình thường không đậu lâu, chỉ thả khách xuống và ít khi có khách lên. Chúng tôi hai người già phương xa tới, lớ ngớ cũng chẳng khác gì các cụ già ở quê ra tỉnh. Xe ra vào tấp nập đứng gần chỗ xe thả khách xuống thì ngại bị xe tông. Đứng xa một chút thì chạy ra không kịp. Chúng tôi lỡ chuyến mấy lần, trời mỗi lúc một tối. Tính đón taxi về Hà Nội, thì có một ông, còn trẻ hơn chúng tôi nhưng chắc cũng năm mươi hay hơn, thấy chúng tôi lóng nhóng bèn hỏi thăm. Cuối cùng, e ngại xe buýt hết giờ cao điểm có thể gây trở ngại cho chúng tôi, ông bảo lên cái xe buýt kia kìa, nó không đúng tuyến đường ông bà đi lúc nãy nhưng nó cũng về Hà Nội. Cái xe buýt kia kìa lại đậu trong sân bến xe Mỹ Đình khá lâu. Thế là chúng tôi lên xe buýt kia kìa về Hà Nội.

Chiếc xe buýt này không về bờ hồ. Nó chạy vòng vòng lung tung nhiều chỗ mà người phương xa thì cứ lờ khờ chẳng biết đâu là đâu. Anh tài xế và anh phụ xế hỏi chúng tôi chỗ trọ ở đâu, Hàng Dầu. Thế thì chúng tôi thả ông bà xuống chỗ gần nhất nhá. Để ông bà xuống không đúng chỗ đi bộ xa lắm. Đây, ông bà xuống đây đi thẳng đường này, quẹo ngã kia là về đến.

Thế là chúng tôi nhận được sự tử tế của người Hà Nội hai lần trong buổi chiều ngày hôm ấy.

Chỗ đón xe buýt đi bến xe Mỹ Đình. Hồ Gươm ở sau lưng và về phía tay phải sau chiếc xe buýt màu xanh blue tuyến có số 9A

Ở Hà Nội, có một chiều chúng tôi đi ăn bún, chẳng còn nhớ là bún gì, có lẽ là bún riêu tại vì tôi ưa món có rau và nước canh nóng. Hai người, quán chật, đĩa rau hơi ít cho hai người, một thì vừa đủ. Ông nhà tôi nói với chủ quán cho thêm rau, cứ tính thêm tiền rau ăn thêm. Ông bà cứ ăn, hết tôi mang ra thêm. Và khi đĩa rau hết, bà mang thêm đĩa rau khác. Ăn xong, ông nhà tôi trả tiền, hỏi tiền rau thêm là bao nhiêu để trả thì bà chủ quán không lấy tiền. Tuy vậy khi ông nhà tôi biếu bà tiền tip thì bà nhận và vui vẻ cám ơn. Một vài lần sau đó, ở chỗ khác chúng tôi cũng gặp chuyện tương tự, ăn hết rau người chủ mang thêm rau không lấy thêm tiền.

Ở một quán khác, quên là quán gì chỉ nhớ có nồi nước lèo (người miền Nam thời chúng tôi gọi nước súp nước canh của bún mì phở là nước lèo) nóng nghi ngút khói. Chủ quán là một cô gái trẻ. Ngay sau lưng cô là cái bàn có một người khách Tây, mặt còn búng ra sữa. Anh có vẻ như học lóm nghề nấu ăn, nên lén ghi ghi chép chép. Khi cô gái bước ra khỏi quầy hàng là anh ngó ngay vào nồi nước lèo. Cạnh bàn tôi có một cậu thanh niên Việt ở độ tuổi ba mươi, tóc húi ngắn, rất ngắn. Thấy anh chàng Tây học lóm nghề, anh thanh niên Việt bảo anh Tây bằng tiếng Anh, mi làm như vậy là không tốt. Muốn học nghề thì phải trả tiền ít ra cũng phải xin phép người chủ. Anh chàng Tây nói dăm ba câu gì đó, chập sau ăn xong đi ra, giọng nói tiếng Anh không giống giọng Mỹ. Có lẽ từ một nước nào đó Anh, Úc, hay châu Âu. Giọng người thanh niên Việt khá xẳng, như là mắng anh Tây. Tôi ngồi đó nghe, thấy vui vui. Người Hà Nội bênh vực nhau không để cho khách Tây lợi dụng. Tiếng Anh giờ phổ biến đến mức mình nghe người Việt rầy người Tây bằng tiếng Anh trong quán ăn.

Năm 2019, Hà Nội có lẽ chưa có nhiều người dùng tiếng Anh trôi chảy như bây giờ. Ở một tiệm giặt đồ, một thằng khách Tây mặt non choẹt nói với anh chủ tiệm là giặt cái gì đó hình như là cái T-shirt, phải tẩy trắng như thế nào. Áo cũng thường thôi, không phải loại đắt tiền. Tiền giặt lại rất rẻ. Anh chủ tiệm không biết tiếng Anh nhiều, thằng Tây bảo gì anh cũng ậm ừ. Chúng tôi bắt nổi nóng cái thằng mặt búng ra sữa bắt nạt anh chủ tiệm. Ông chồng tôi quát cái thằng Tây, mày tự làm lấy, tiền trả có bấy nhiêu mà mày đòi như là áo mày dệt bằng vàng bằng bạc. Không tự làm thì cút đi ngay. Thằng Tây tảng lờ không trả lời.

Có một buổi tối, ông chồng tôi chẳng hiểu tại sao cứ đọc cái gì đó trên phone. Tôi đứng gần chỉ thấy toàn chữ với màn hình sáng trắng. Có hai cậu thanh niên Việt khá cao, đứng sau lưng ông đọc lóm. Thường thì tôi ngại bị giật điện thoại, nhưng hai cậu này chỉ chăm chú đọc lén. Thấy tôi nhìn có vẻ quan tâm, đề phòng, các cậu quay đi, chập sau quay trở lại đọc tiếp. Tại sao? Để làm gì?

Sắp xuân chưa?

Đàn ngỗng Canada trên sân vẫn còn đọng tuyết

Đi bộ trên đường trail. Ngang nhà (của người ta) khoảng sân rộng tuyết phủ hôm trước vẫn còn tuyết đọng nhưng lần này lại có đàn ngỗng Canada lóng ngóng làm duyên. Tuyết tan gần hết.

Crocuses

Ngang sân nhà người khác, chỗ có nhiều nắng, thấy có một nhóm hoa crocus đã nở. Số nhiều là crocuses hay croci. Loại này nở rất sớm thường nở hoa khi tuyết vẫn còn đọng trên mặt đất; so với snowdrops không biết loại nào sớm hơn. Thấy hoa, nhớ một đoạn phim trong đó nói về loại lan màu tím (blue orchid), tên của một nhân vật bị mù, được người yêu thầm viết cho lá thư, những lời chữ xuất phát từ trái tim. Hình như phim có tựa đề là Alchemy of Souls.

daffodils

Bên cạnh nhóm hoa crocus có bụi daffodil cũng đang chuẩn bị nở. Loại này thường nở muộn hơn, nhưng khoảng sân này nhiều nắng, và chắc là chủ nhân có tay trồng hoa nên hoa mọc mạnh. Loại này có nhiều tên, còn được gọi là narcissus, hay jonquils. Thấy có người gọi là thủy tiên, nhưng cũng có người phản đối bảo thủy tiên của người VN thời xưa có màu trắng. Daffodil ở đây nhiều màu. Mọc hoang trên đường trail có trắng, vàng, hai màu trắng cam, trắng vàng.

Sáng nay, 2/24/2024 weather.com nói là có tuyết lất phất như mưa. Nhiệt độ lúc sáu giờ sáng là 38 độ F. và sẽ ở mức độ 38 độ F. đến 1 giờ trưa.

Hình ảnh mấy cái hoa làm tôi tưởng mùa xuân đã đến. Chưa đâu. Còn cả tháng nữa mới chính thức là mùa xuân.

Một buổi sáng đi bộ sau ngày tuyết rơi

Cỏ khô trên tuyết

Thử kiểu chụp ảnh với rất nhiều ánh sáng (over exposure).

Đường về nhà còn xa lắm

Còn 5 km nữa mới về đến chỗ đậu xe. Đôi khi tôi có cảm tưởng một người có thể đi vào trong vô tận nếu đi vào tấm ảnh này.

Sân nhà người ta phủ tuyết

Khoảng sân này là chỗ cỏ mọc hầu như quanh năm, ngoại trừ mùa đông. Có năm trời tuyết ngỗng Canada đậu đầy kín sân. Mỗi lần đi ngang chỗ này tôi vẫn có ý nghĩ nếu mà người ta cho tôi ở chỗ này một thời gian ngắn, thì sao? Không chắc ngôi nhà này có những tiện nghi tối thiểu cần thiết, thí dụ như nước và cống.

Trong khuôn viên nhà thờ Pillar

Còn một mảng tuyết trên mái của cái building khá to lớn. Không biết tòa nhà này được dùng để làm gì. Tôi thích màu hồng dịu mắt của bức tường, phía trên là màu trời xanh.

Ngày của tôi rất bình thường. Cứ cách một ngày thì đi bộ. Mấy hôm nay trời lạnh, cái lạnh bình thường của mùa đông.

Đang xem bộ phim truyền hình Captivating The King đến tập số 12. Thỉnh thoảng nhân vật chính ông vua Yi In nhắc đến một bài thơ nói về thân phận của một người bị bắt làm con tin. Không biết ai là tác giả bài thơ. Người viết truyện phim hay của một nhà thơ danh tiếng nào khác.

To wish for life when you love them.
and death when you hate them.
Wishing them to live while wishing them to die.

Mong ước được sống khi mình thích họ
Cầu cho họ chết đi khi mình ghét.
Cầu cho họ sống trong khi mong cho họ chết.

Còn một câu nữa mà tôi không viết kịp. Đại ý là sự mâu thuẫn xảy ra trong nội tâm của một hoàng tử bị sống trong hoàn cảnh bị giam lỏng trong quyền hành của kẻ thù địch. Chữ captivating từ động từ captivate là chữ được dùng trong cuộc cờ Go (tiếng Nhật) tiếng Hàn là baduk. Chữ captivate được dùng khi bắt được một hay nhiều quân cờ. Mỗi quân cờ được gọi là stone. Ông vua Yi In là người đánh cờ baduk rất giỏi. Người đánh cờ tương sức với Yi In là một cô gái tên Kang Hee-soo, giả trai với tên Kang Mong-woo. Chữ “mong woo” có nghĩa là mưa lất phất làm tôi nghĩ đến mưa xuân. Ở đây chữ “woo” nghe cũng giống như chữ vũ có nghĩa là mưa. Chữ “mong” trong phim được giải thích là drizzle, mưa lất phất, như mưa phùn. Không biết chữ Hán là gì. Ông vua (lúc ấy chưa được làm vua, chỉ mới được nhà Thanh tha về nước) dùng chữ Mong Woo để đặt tên cho người bạn giả trai. Lần đầu tiên họ đánh cờ với nhau mải mê với những quân cờ không ai chú ý ngoài trời đang mưa. Cô gái giả trai từ chối nói tên thật của mình, với giao ước sẽ khai thật nếu cô thua cờ, nhưng cô chưa bao giờ thua. Họ hẹn sẽ gặp nhau đánh cờ mỗi khi trời mưa nhưng không nói rõ chỉ khi có mưa nhẹ, mưa mềm, mưa phùn, mưa bụi hay mưa cỡ nào bão tố cỡ nào cũng đi đánh cờ.

Nhưng chỉ có bài thơ thôi, ngoài ra chẳng thấy nói gì về ý nghĩ của một người làm con tin ở nước ngoài đó là điều tôi muốn tìm hiểu. Tâm trạng lưu đày và nỗi buồn tha hương thì không thấy nói trong phim.

Hồng y tước

Hôm qua tuyết xuống một trận đọng lại chừng 4 inches (khoảng 1 tấc). Tuyết phủ mặt đất, loài chim không tìm được thức ăn, đến sân nhà tôi tấn công lồng treo thức ăn chim. Starlings đến cả đàn mấy chục con. 

Sân sau nhà tôi luôn luôn có blue jays. Lúc sau này cardinals (hồng y tước) cũng thường xuyên đến. Hôm qua có khoảng 4 hay 5 con. Bình thường màu lông của chúng cũng nổi bật, nhưng khi có tuyết càng nổi bật hơn. Con trống đỏ tươi. Con mái có khi hơi hồng hồng, có khi vàng, có lẽ tùy theo thức ăn chúng có thể tìm thấy mà màu lông đậm hay nhạt.

Tôi đứng trong nhà, chụp xuyên qua cửa sổ trong bếp (khá bẩn). Loại này cũng rất hiếu động, ít khi đậu một chỗ lâu.

Đầu năm viết vài câu

Bấm một cái chụp được ảnh hai con chim.
Phơi nắng

Tết năm nay được cái thời tiết ấm áp. Hôm qua đi bộ thấy rùa lên bờ nằm phơi nắng. Thấy con ó đậu khá gần nhưng tấm ảnh không rõ nét. Hơi tiếc. Vừa bấm máy thì có con chim nào đó bay vào thành ra hên, bấm một phát được ảnh hai con.

Hôm nay nhiệt độ có thể lên đến 60 độ F. Đang giữa mùa đông mà được như vầy thật là may. 

Cầu cho mưa thuận gió hòa. Cầu cho thế giới thôi chiến tranh. Cầu cho nhà nhà yên ấm vui vẻ. 

Sáng dậy nghe vài bản nhạc xuân, nhớ được câu này.

“Bỗng mùa xuân về trên năm ngón. Ôi bàn tay lộc biếc lá non.” Thơ của Nguyên Sa. Nhạc của Anh Bằng. Lời thơ hơi bóng bẩy, nhưng đủ cho người đọc nhìn thấy mùa xuân trong bàn tay người đẹp.